Chị Sarah, 36 tuổi, là người đầu tiên được lắp thiết bị này hơn một năm trước, cho biết cuộc sống của chị đã thay đổi. Chị mắc chứng trầm cảm khó chữa trong nhiều năm và đã trải qua một loạt các phương pháp điều trị nhưng đều thất bại, kể cả thuốc chống trầm cảm và liệu pháp xung điện. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California ở San Francisco khoan những lỗ nhỏ trên hộp sọ của Sarah để lắp các dây dẫn theo dõi và kích thích não. Chiếc hộp siêu nhỏ chứa pin và máy phát xung, được đặt bên dưới da đầu của chị.
Sarah cho biết, sau một năm kể từ khi được cấy ghép, chị vẫn khỏe mạnh và không gặp tác dụng phụ. Quan trọng nhất là không còn chứng trầm cảm, cho phép chị trở lại cuộc sống bình thường. Theo các nhà khoa học, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm tra hiệu quả của thiết bị cấy ghép để xác định xem liệu nó có hiệu quả với nhiều người bị trầm cảm nặng hơn hay không. Đã có thêm 9 người đăng ký cấy ghép thiết bị. Giáo sư Jonathan Roiser, một chuyên gia khoa học thần kinh tại Đại học London, Anh cho rằng, đây là bước tiến thú vị trong điều trị chứng trầm cảm, nhất là với những người bị nặng.
Chứng trầm cảm tại Mỹ khá cao và càng trầm trọng hơn trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet, có 32,8% người trưởng thành tại Mỹ trải qua các triệu chứng trầm cảm từ đầu năm 2021 tới nay, so với 27,8% trong những tháng đầu của đại dịch năm 2020 và 8,5% thời kỳ trước đại dịch.