Tình hình bạo lực kéo dài 16 tháng qua tại Syria chưa có hồi kết, đẩy hàng trăm ngàn người dân nước này phải chạy nạn sang các nước láng giềng. Nga đã kêu gọi các bên tại Syria ngồi vào vòng đàm phán để chấm dứt cảnh hỗn loạn hiện nay.
Hàng triệu người chạy nạn
Theo Cao ủy LHQ về người tỵ nạn, hàng chục ngàn người Syria đang chạy sang các quốc gia lân cận như Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq để lánh nạn và lo sợ về một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra khi số người chạy khỏi Syria cao gấp 10 lần con số 120.000 người đăng ký xin tỵ nạn chính thức với LHQ. EU đang kêu gọi các quốc gia láng giềng của Syria hỗ trợ hơn nữa cho người tỵ nạn. Trong khi đó, Brussels cũng thông báo sẽ tăng thêm 20 triệu EUR cho Quỹ cứu trợ khẩn cấp người tỵ nạn Syria. Tổng cộng số tiền của quỹ này sẽ là 63 triệu EUR.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) thông báo thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí và mở rộng các biện pháp trừng phạt Syria bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24-7. Các quốc gia thuộc EU sẽ tạm giữ các tàu chở hàng, máy bay nếu có dấu hiệu khả nghi chở vũ khí, hàng hóa, trang thiết bị có thể sử dụng trong cuộc xung đột tại Syria. Theo phương Tây, lệnh cấm vận vũ khí sẽ đẩy nhanh việc chấm dứt bạo lực kéo dài 16 tháng qua tại đây. Tuy nhiên, Hãng Reuters cho biết vũ khí cung cấp cho quân nổi dậy Syria vẫn đang được vận chuyển qua biên giới Lebanon.
Các biện pháp trừng phạt mới còn bao gồm việc cấm Hãng hàng không quốc gia Syria đáp xuống các sân bay của EU nếu không phải là trường hợp hạ cánh khẩn cấp. Ngoài ra, thêm 26 người, phần lớn là sĩ quan quân đội Syria, đã bị liệt vào danh sách cấm đi lại ở châu Âu và đóng băng tài sản. Trước đó, EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt với 49 tổ chức và 129 người Syria. Đây được xem là động thái mới nhất của phương Tây nhằm làm suy yếu chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tiến tới lật đổ ông này.
Các kịch bản cho Syria
Trong lúc Syria đang ngập chìm trong khói lửa, một số kịch bản về tương lai Syria hậu Assad đã được bàn thảo. Hãng AFP ngày 24-7 dẫn lời Hội đồng quốc gia Syria (SNC), lực lượng nổi dậy tại Syria, cho biết, SNC sẵn sàng chấp nhận một chính phủ chuyển tiếp lâm thời do một quan chức của chính quyền đương nhiệm đứng đầu nếu Tổng thống Assad ra đi. Đầu năm nay, Liên đoàn Ảrập (AL) cũng thúc giục ông Assad trao quyền lực cho cấp phó, mở đường thành lập một chính phủ thống nhất như cách cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã làm. Tuy nhiên, đến tối 24-7, SNC bất ngờ phủ nhận điều này.
Tờ Le Figaro của Pháp cho rằng có thể áp dụng mô hình Ai Cập trong vấn đề chuyển giao quyền lực tại Syria. Đó là thành lập một Hội đồng tối cao do các lực lượng vũ trang bao gồm toàn bộ các tướng lĩnh đã rời hàng ngũ Syria và các thành viên quân đội chính phủ hiện tại nắm quyền. Hội đồng sẽ kiểm soát quá trình chuyển giao trong khoảng 9 tháng, sau đó tiến hành bầu cử và soạn thảo hiến pháp mới. Lựa chọn này đã từng được Đại diện của LHQ và AL Kofi Annan đưa ra trong cuộc họp tại Cairo, Ai Cập đầu tháng 7 này. Hiện nay, 22 quốc gia thuộc AL đề xuất đảm bảo một nơi cư trú an toàn cho Tổng thống Assad và gia đình của ông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng tình trạng nội chiến ở Syria sẽ kéo dài nếu Tổng thống Assad bị lật đổ bởi lực lượng chống đối. Nga không muốn tình hình diễn biến theo kịch bản một cuộc nội chiến đẫm máu không biết kéo dài bao lâu giống như ở Afghanistan. Ông Putin một lần nữa kêu gọi các bên tại Syria ngồi vào bàn đàm phán để đạt được một thỏa hiệp có thể chấp nhận vì tương lai đất nước. Ông nhấn mạnh, tương lai của Syria không nên được quyết định trên chiến trường mà cần dựa trên cơ sở thương lượng và thỏa hiệp.
|
Đỗ Văn (tổng hợp)