Trong khi tình hình ở Ukraine diễn biến phức tạp thì các quốc gia phương Tây không ngại liên tục gây áp lực với Nga. Mỹ, Canada và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) dọa không tham dự Hội nghị G8 (dự kiến diễn ra ở thành phố Sochi, Nga, vào tháng 6 tới). Bên cạnh đó là cảnh báo cắt đứt hàng loạt hợp tác quân sự, thương mại.
Thực tế, chính phương Tây chứ không phải Nga phụ thuộc mạnh vào bên còn lại trong hợp tác thúc đẩy kinh tế. Nhiều bài báo đã có phân tích khách quan để cùng kết luận: Tẩy chay Nga, phương Tây sẽ rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông”.
RT có bài viết “Trừng phạt kinh tế đối với Nga cũng sẽ giáng đòn mạnh vào kinh tế EU”. Với EU, Nga là một đối tác lý tưởng, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu Âu, Nga đã thiết lập trao đổi năng lượng với khu vực này trong 30 năm qua. Nga càng khiến EU phụ thuộc hơn kể từ khi lệnh cấm vận đối với Iran có hiệu lực. Tổng số nhiên liệu Nga xuất khẩu sang EU chiếm 20% số dầu mỏ và 44% lượng khí đốt châu lục này nhập khẩu.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu khí đốt của EU sẽ tiếp tục tăng từ nay đến năm 2030. Hiện EU và Nga cũng đã ký kết lộ trình hợp tác năng lượng giữa Nga và EU đến năm 2050. Nga cung cấp năng lượng với mức giá ưu đãi tùy theo mối quan hệ mà họ duy trì với từng nước.
Hiện có rất nhiều nước châu Âu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân của Nga. Đức là nước phụ thuộc nhiều nhất. Từ những năm 1990, nước này đã được xem là đầu vào tiếp cận thị trường năng lượng của Nga ở châu Âu. Đó là lý do vì sao Thủ tướng Đức Merkel không muốn EU quá cứng rắn với Nga. Ngoài ra, toàn bộ khu vực Trung và Đông Âu cũng phụ thuộc Nga.
Nga cũng đã đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp năng lượng tới châu Âu bằng cách xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc” và hiện nay là “Dòng chảy phương Nam” để tăng sự phụ thuộc.
Tờ Jerusalem Post có bài viết “Israrel có thể cung cấp năng lượng cho EU nhưng mãi mãi EU vẫn phụ thuộc nguồn năng lượng từ Nga”. Giảng viên Gina Cohen, đến từ Chương trình nghiên cứu khí đốt và dầu mỏ thuộc Viện Công nghệ Technion của Israel, đã cung cấp những số liệu thuyết phục.
Để đa dạng nguồn cung năng lượng, EU đã tìm được Israel. Israel có trữ lượng khí đốt lên đến 400 tỷ m³ nhưng mỗi năm chỉ có thể xuất khẩu 15 tỷ m3 sang EU. Con số này quá khiêm tốn nếu so sánh với 167,2 tỷ m³ khí đốt mà EU nhập từ Nga năm 2013.
Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, trên các phương tiện truyền thông, EU tỏ thái độ cứng rắn với Nga thì Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố vẫn tiếp tục thương vụ bán tàu chiến hiện đại Mistral cho Nga, vốn bắt đầu từ năm 2011, với mỗi chiếc trị giá 1,6 tỷ USD.
Tại Anh, có 30 công ty Nga đã niêm yết trên sàn London với tổng mức vốn hóa lên tới 450 tỷ USD, chiếm 13% tổng mức vốn hóa toàn sàn. Lượng tiền đổ từ Nga sang đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Anh khiến Chính phủ của Thủ tướng David Cameron chỉ muốn đối thoại với Nga để giải quyết khủng hoảng ở Ukraine…
Đức, Anh, Pháp, những quốc gia tiêu biểu cho nền kinh tế EU đang muốn bứt phá khỏi giai đoạn khủng hoảng đều không thể từ bỏ quan hệ kinh tế với Nga. Vì lợi ích, họ chỉ có thể lựa chọn con đường đối thoại, không thể là đối đầu.
NHƯ QUỲNH
| |
- Nga cảnh báo các biện pháp trừng phạt của Mỹ