Trước các hành động quân sự chống lực lượng đối lập, Syria đang bị sức ép từ cộng đồng quốc tế. HĐBA LHQ ngày 18-8 đã tổ chức phiên họp đặc biệt về tình hình Syria.
LHQ hối thúc Syria cải cách
Theo AFP, trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 18-8, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết, quân đội của ông đã ngừng các chiến dịch chống những người biểu tình. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, các lực lượng an ninh Syria đã tiếp tục giết ít nhất 10 người và tiến hành chiến dịch bố ráp bắt giữ nhiều nhà hoạt động đối lập. Cho tới nay, theo số liệu của các hãng thông tấn phương Tây, đã có khoảng 2.000 người chết trong 5 tháng nổi dậy của lực lượng đối lập chống chính phủ của Tổng thống al-Assad.
Theo phó phát ngôn viên LHQ Farhan Haq, có các thông tin cho rằng các lực lượng an ninh Syria tiếp tục vi phạm nhân quyền và lạm dụng sức mạnh chống lại thường dân trên khắp đất nước Syria.
Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh rằng “phải chấm dứt ngay lập tức tất cả các chiến dịch quân sự và bắt bớ tập thể”. Tổng thống Syria cam kết ngừng các chiến dịch này và hứa sẽ theo đuổi cải cách trong vài tháng tới như thay đổi hiến pháp và tổ chức bầu cử tự do. Tổng thư ký LHQ kêu gọi Syria hợp tác đầy đủ với cơ quan nhân quyền LHQ và yêu cầu Tổng thống al-Assad cải cách trong hòa bình và đáng tin cậy.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ Navi Pillay sẽ triệu tập phiên họp kín về Syria, nhiều khả năng sẽ có một tòa án quốc tế được thành lập để xét xử các vụ vi phạm nhân quyền tại Syria. Bà Navi Pillay cũng sẽ thông báo với HĐBA về việc Hội đồng Nhân quyền LHQ thành lập nhóm tìm hiểu sự thật để điều tra những cáo buộc Syria vi phạm Luật Nhân quyền quốc tế, cần đưa ra xét xử tại Tòa án Hình sự quốc tế. Trong khi đó HĐBA không đạt được sự thống nhất về tình hình Syria trong nhiều tháng qua, vì Nga và Trung Quốc đe dọa phủ quyết dự thảo nghị quyết do châu Âu đề nghị và được Mỹ ủng hộ lên án bạo lực tại nước này.
Nhân viên LHQ rời Syria
Trong bối cảnh lực lượng an ninh Syria trấn áp mọi nơi, ngày 18-8, LHQ đã rút 25 nhân viên của mình và hàng chục gia đình các công nhân biệt phái khỏi Syria.
Trong khi đó, Mỹ đã yêu cầu các nhân viên đại sứ quán Syria ở Washington hạn chế đi lại để trả đũa cho quyết định tương tự của Syria với các nhà ngoại giao Mỹ. Washington cũng cho rằng, họ đã có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy các lực lượng an ninh của Syria đã bắn vào trại tỵ nạn của người Palestine ở TP Latakia. Hàng loạt các nước Arab đã lên án hành động này của Syria. Tunisia, Bahrain và Kuwait rút đại sứ về nước để tham vấn và cũng nhằm phản đối Syria.
Mỹ, Anh, Pháp, Đức và EU đã ra tuyên bố kêu gọi Tổng thống Syria al-Assad từ chức. Lẽ ra Mỹ đã công bố điều này từ tuần trước, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu có thêm thời gian để thuyết phục Tổng thống Syria cải cách. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang mất dần kiên nhẫn với Syria và cho rằng tình hình hiện nay tại Syria tương tự như Libya. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông đã điện đàm với Tổng thống Syria al-Assad thông báo sẽ cử ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Syria nhưng theo ông Erdogan, bất chấp hoạt động này, “họ vẫn tiếp tục bắn vào thường dân”. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn được xem là đối tác thương mại quan trọng của Syria, không tham gia các lệnh cấm vận của Mỹ và EU lên Syria.
Trong diễn biến liên quan, theo AFP, Nga tuyên bố sẽ tiếp tục bán vũ khí cho đồng minh Syria bất chấp áp lực của Mỹ, vì Nga cho rằng LHQ vẫn chưa có lệnh cấm vận vũ khí với chính phủ của Tổng thống al-Assad. Giám đốc hãng xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, ông Anatoly Isaikin, cho biết công ty ông vẫn tiếp tục các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Syria miễn là các vụ mua bán không vi phạm luật pháp quốc tế. Năm 2007, Nga từng bán cho Syria tên lửa hành trình chống tàu chiến.
Khánh Minh