

Nguyên lý hoạt động của pin nhiên liệu SOFCs.
Giáo sư Shriram Ramanathan, chuyên ngành Khoa học vật liệu phát triển thuộc Trường Đại học Harvard (Mỹ) vừa qua đã tạo ra các chất điện phân ôxít rắn chất lượng cao, có thể giúp cho ra đời những chiếc pin nhiên liệu kiểu mới với khả năng sử dụng các loại nhiên liệu sẵn có hiện nay thay cho hyđrô.
Mẫu pin này hoạt động khá ổn định so với các loại pin nhiên liệu ôxít rắn (solid-oxide fuel cells - SOFCs) trước nay vẫn sử dụng trong một số nhà máy phát điện hay các ứng dụng cố định khác.
Theo đó, các cực điện phân chỉ có độ dày vào khoảng 25 nanomét (bằng khoảng 1/1.000 bề dày các cực điện phân trong các mẫu pin SOFCs hiện thời), cho phép các pin nhiên liệu kiểu mới hoạt động tốt ở nhiệt độ 300oC, thấp hơn nhiều so với 800oC – 1.000oC ở các SOFCs thông thường. Thêm vào đó, điều này cũng giúp giảm chi phí sản xuất và dễ tạo thành khối pin nhỏ gọn để sử dụng cho các phương tiện giao thông cũng như cho các máy phát điện cầm tay.

Xe ô tô hoạt động bằng pin nhiên liệu SOFCs.
Theo ông Shriram Ramanathan: pin nhiên liệu ôxít rắn là sự thay thế tốt hơn. Bởi chúng có thể hoạt động không chỉ với hyđrô mà còn cả với khí đốt thiên nhiên cũng như các loại nhiên liệu lỏng đã bỏ đi trong quá trình chưng cất dầu mỏ khác.
Ví dụ như việc sử dụng trực tiếp khí đốt thiên nhiên sẽ cắt giảm các bước trung gian tiêu tốn năng lượng nhằm sản xuất và nén lỏng khí hyđrô để chứa và vận chuyển phân phối. Trước mắt, Giáo sư Ramanathan đang tiến hành lắp ráp một loại pin nhiên liệu kiểu mới nhằm chứng minh tính khả thi phương pháp này của mình.
Trong năm 2008 sắp tới, ông dự kiến tiếp tục phát triển các mẫu pin xếp tầng theo cụm để làm tăng khả năng phát điện trong thời gian dài của pin nhiên liệu, sẵn sàng đưa vào ứng dụng đại trà sớm nhất trong vòng 3-5 năm nữa.
NHƯ QUỲNH
(Theo Technology Review)