PRC - Nỗ lực hòa giải chính trị

Ba tuần kể từ ngày Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đưa ra sáng kiến thành lập Hội đồng cải cách chính trị (PRC) nhằm tháo gỡ tình hình chính trị phức tạp hiện nay, đến nay đã có 50 chính khách kỳ cựu, lãnh đạo các đảng phái và các học giả nổi tiếng của Thái Lan nhận lời tham gia tổ chức này.

Ba tuần kể từ ngày Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đưa ra sáng kiến thành lập Hội đồng cải cách chính trị (PRC) nhằm tháo gỡ tình hình chính trị phức tạp hiện nay, đến nay đã có 50 chính khách kỳ cựu, lãnh đạo các đảng phái và các học giả nổi tiếng của Thái Lan nhận lời tham gia tổ chức này.

Hầu hết những người đồng ý tham gia vào PRC với mong muốn đóng góp vào tiến trình cải cách chính trị, hòa giải, đoàn kết dân tộc để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của Thái Lan. Phần lớn đều liên minh với đảng cầm quyền Vì nước Thái (Pheu Thai). Một số cựu thủ tướng, cựu chủ tịch quốc hội có uy tín trong xã hội Thái Lan đã tuyên bố đồng ý tham gia Hội đồng cải cách chính trị như cựu Thủ tướng Gen Chavalit Yongchaiyudh và Banharn Silpa-acha, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Pichai Rattakul, lãnh đạo đảng Chart Pattana Suvat Liptapallop. Ngoài ra, một số nhân vật nổi tiếng như cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã được mời và đều đồng ý đến Thái Lan để chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để đạt được hòa bình và hòa giải trong nước. Chính phủ Thái Lan hy vọng, thông qua những chính khách quốc tế uy tín và kinh nghiệm, PRC sẽ có thêm cơ hội tham khảo cách tiến hành và xử lý các vấn đề tương tự của các nước khác trên thế giới, để tìm kiếm biện pháp tháo gỡ tình hình chính trị hiện nay tại Thái Lan.

Tuy nhiên, các đảng đối lập như đảng Dân chủ và Liên minh dân tộc vì dân chủ, hay còn gọi là Phong trào áo vàng, chưa chấp nhận sáng kiến thành lập PRC do còn một số quan điểm bất đồng với chính phủ. Lãnh đạo đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejajjiva, tuyên bố đảng ông sẽ không tham gia hội đồng trừ khi chính phủ hủy bỏ hiến pháp vừa được Hạ viện thông qua, trong đó có dự luật cho phép ân xá các tù nhân chính trị, tù nhân liên quan đến các cuộc biểu tình giữa phe áo vàng và phe áo đỏ… Phó Thủ tướng Pongthep Thepkanchana và một số nghị sĩ khác vẫn đang khẩn trương làm việc đằng sau hậu trường để thuyết phục các chính trị gia nặng ký khác, bao gồm cả những người được xem là kẻ thù dưới thời của Thủ tướng Thaksin, tham gia PRC vì lợi ích của đất nước.

Tân Hoa xã ngày 22-8 nhận định, chỉ một số ít hiện nay là có tư tưởng chống Thủ tướng Yingluck. Chính phủ của Thủ tướng Yingluck được thành lập là để thúc đẩy các nỗ lực hòa giải và cải cách chính trị - kinh tế ngay cả có hoặc không có sự tham gia của các thành viên đối lập. Somchai Preechasilpakul - giảng viên luật của Trường ĐH Chiang Mai – lạc quan rằng không sớm thì muộn các nhà phê bình chống chính phủ cuối cùng cũng sẽ tham gia hội đồng. Mặc dù miễn cưỡng, nhưng vì lợi ích chung của đất nước, họ sẽ để sang một bên quan điểm cá nhân và đóng góp nỗ lực để cải cách và tăng cường hệ thống chính trị và nền dân chủ của đất nước. Đa số dư luận Thái Lan ủng hộ tiến trình cải cách chính trị, đồng thời hy vọng PRC sẽ thu hút được sự tham gia tích cực của tất cả các phe phái và các tầng lớp xã hội, đem lại kết quả thiết thực, giúp tăng cường sức mạnh của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Thái Lan và các nước trong khu vực đang chuẩn bị hội nhập Cộng đồng ASEAN.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục