Theo nội dung ký kết, Cục Bảo vệ thực vật và PVFCCo sẽ cùng phối hợp: Tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân kiến thức về việc sử dụng phân bón an toàn, cân đối - hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; chuyển giao, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; kiến thức để nhận biết và phân biệt phân bón giả, kém chất lượng, hàng giả hàng nhái,... trên thị trường; Tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn cho đại lý, cơ sở buôn bán phân bón những văn bản, quy định hiện hành của nhà nước trong lĩnh vực phân bón; kỹ thuật bảo quản và sử dụng phân bón an toàn, cân đối - hiệu quả để có thể áp dụng, hướng dẫn lại cho nông dân khi mua phân bón sử dụng; Thực hiện các mô hình trình diễn sử dụng phân bón bón an toàn, cân đối - hiệu quả trên một số cây trồng chủ lực tại địa phương nhằm thúc đẩy sản xuất và chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác cho người nông dân để có thể áp dụng và tạo ra chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp hướng đến một nền nông nghiệp an toàn, bền vững góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân; Truyền thông rộng rãi các hoạt động và kết quả đạt được nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực để người nông dân hưởng ứng sâu rộng và áp dụng trên nhiều địa bàn, nhiều vùng canh tác khác nhau mang lại giá trị bền vững. Việc triển khai thực hiện sẽ bắt đầu ngay từ tháng 10-2021, thời điểm chuẩn bị bước vào vụ Đông Xuân/mùa khô 2021.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang gây tác động nặng nề tới nền kinh tế xã hội, thị trường vật tư nông nghiệp có sự biến động bất thường về giá cả, ảnh hưởng lớn tới canh tác nông nghiệp của bà con nông dân, chương trình hợp tác này có ý nghĩa hết sức kịp thời, thiết thực, hỗ trợ cho nông dân sử dụng phân bón an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Đồng thời, với phạm vi hợp tác toàn diện, sâu rộng trên toàn quốc và có sự “cầm chịch” của cơ quan quản lý cấp Bộ cùng tầm nhìn dài hạn, chương trình sẽ góp phần tích cực định hướng cho nông dân làm kinh tế nông nghiệp theo tư duy mới.