(SGGPO).- Đó là nhận xét của nhiều vị ĐBQH khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho rằng nên cân nhắc quy định người được thi hành án (THA) dân sự phải làm đơn đề nghị THA, vì khi bản án có hiệu lực thì đương nhiên các cơ quan phải nghiêm chỉnh chấp hành, người phải THA không chấp hành thì Nhà nước sử dụng quyền lực buộc thi hành.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý: Điều 7, Dự thảo quy định tôn trọng quyền tự định đoạt của người được THA, tạo điều kiện cho họ lựa chọn thời gian, phương thức THA là chưa phù hợp Hiến pháp (Điều 106), theo đó bản án có hiệu lực phải được cơ quan, tổ chức tôn trọng.
Về điều kiện miễn giảm cho các khoản thu nộp ngân sách, ĐB Phạm Xuân Thường, (Thái Bình) khuyến nghị, không nên mở rộng đối tượng miễn giảm (điều 61) mà đề nghị sớm bỏ ngay khoản tiền án phí hình sự và tiền phạt trong các vụ án ma túy; do người phải THA là người nghiện ma túy, không có tài sản để thi hành, tiền án phí thì ít nên không thể cưỡng chế...
Tuy nhiên ĐB Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) lại có quan điểm tán thành yêu cầu làm đơn yêu cầu THA. Ông lý giải: “Khác với THA hình sự liên quan quyền nhân thân, không có cơ chế thỏa thuận; THA dân sự thì phải tôn trọng nguyên tắc cam kết, tự do thỏa thuận của người dân, tạo điều kiện xã hội hóa công tác THA dân sự”...
Đề nghị quy định quyền của Tòa án các cấp - kể cả Tòa án quân sự - quyền yêu cầu cơ quan THA thông báo tiến độ THA và trách nhiệm thông báo kết quả THA của THA cho tòa án, ĐB Trần Văn Độ (An Giang), Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao lập luận, Tòa án cần phải biết được kết quả THA để giải quyết những bất cập trong thực tiễn về kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tránh trường hợp kháng nghị cả những bản án đã thi hành trên thực tế; đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất...
Thay mặt Ban soạn thảo Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã tiếp thu nhiều nội dung được góp ý và sẽ phối hợp hoàn thiện dự thảo trước khi trình QH thông qua vào cuối kỳ họp này.
ANH THƯ