Việc giá xăng dầu tăng gây phản ứng mạnh tại các vùng nông thôn, nơi thu nhập thường thấp và xe hơi gần như là phương tiện duy nhất. Theo ước tính, mức tăng giá xăng dầu hiện nay khiến nhiều người phải trả thêm tổng cộng hơn 1.000 EUR/năm.
Tờ La Croix cho rằng, ngoài việc giá xăng, dầu trên thị trường quốc tế tăng mạnh, nguyên nhân chính là do thuế tăng, chiếm 60% giá cuối cùng. Dự kiến, thuế đánh vào xăng dầu, đặc biệt là thuế carbon, sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Thuế carbon được Chính phủ Pháp đưa ra để kìm hãm việc sử dụng năng lượng hóa thạch, mang lại cho ngân sách 11 tỷ EUR trong năm 2017 và dự kiến là 19 tỷ EUR vào năm 2019.
Tờ Les Echos quy trách nhiệm cho đảng Xã hội, lúc cầm quyền đã “đẻ” ra thuế chống ô nhiễm, trong khi chính phủ hiện nay ra quyết định không đúng lúc và không đo lường được phản ứng tâm lý của người dân. Tờ Liberation mỉa mai chính phủ đã “rất giỏi trong nghệ thuật tự bắn vào chân mình”. Chính phủ Pháp đã không đo lường được nỗi giận dữ của những người không có lựa chọn nào khác là phải sử dụng xe hơi. Hơn nữa, đã không tôn trọng cam kết đầu tư cho năng lượng tái tạo bởi theo tính toán tờ báo trên, chỉ 1/4 khoản thuế thu được sẽ được dùng để đầu tư cho việc chuyển sang mô hình kinh tế sinh thái. “Chính sách hạn chế tiêu thụ năng lượng hóa thạch là quan trọng, nhưng điều bất công ở đây là buộc những người có thu nhập thấp nhất phải chịu nhiều gánh nặng nhất”, tờ Liberation chỉ trích và cảnh báo nếu không muốn khoản thuế sinh thái trở thành cái cớ khiến dân chúng phẫn nộ, Chính phủ Pháp phải điều chỉnh chính sách ngay lập tức.
Tờ La Croix không phê phán và đưa ra giải pháp cho vấn đề nóng trên là đề nghị các công ty quản lý xa lộ Pháp giảm tiền phí lưu thông cho các phương tiện giao thông. Còn tờ Le Figaro đưa ra một loạt biện pháp như giảm thuế cho nhân viên sử dụng xe hoặc giảm thuế cho công ty để họ có thể hỗ trợ tiền xăng, dầu cho nhân viên... Trên thực tế, Quốc hội Pháp cũng đang chuẩn bị dự luật liên quan đến “trợ cấp cho đi lại bền vững” để khuyến khích mọi người đến nơi làm việc bằng xe đạp hay đi cùng xe đồng nghiệp nhằm hạn chế khí thải. Theo ông Pierre Cannet, chuyên gia về phát triển bền vững của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), càng nhanh chóng chuyển sang các phương tiện ít ô nhiễm, ít phát khí thải hơn, người dân sẽ càng ít phụ thuộc hơn vào tình trạng giá xăng dầu thay đổi thất thường. Và làm một cuộc “cách mạng bỏ xăng dầu” mới là triệt để hơn cả.