Nhờ sức mạnh của kinh tế, Đức đã thể hiện được vai trò quan trọng trên trường quốc tế và luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của châu Âu.
Hiện nay, nước Đức có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, ở dưới mức 4%, ngân sách bội thu, nợ công giảm, thương mại đạt mức thặng dư kỷ lục. Nhưng theo nhà kinh tế học Henrik Enderlein, cường quốc kinh tế châu Âu này đang đối diện với nhiều thách đố về mặt dân số.
Đức đang nằm trong danh sách những nước có dân số già nhất thế giới, hiện trạng vốn được ví như “quả bom hẹn giờ” đe dọa sự tăng trưởng của nền kinh tế của nhiều quốc gia phát triển. Báo động về dân số già của Đức đang xuất hiện lo ngại rằng, nếu không cải thiện được những số liệu thống kê nhân khẩu học, chi tiêu công và các khoản nợ của Đức sẽ tăng cao trong những năm tới.
Theo Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank, triển vọng dân số có thể sẽ khiến các công ty trì hoãn và xem xét lại các quyết định đầu tư dài hạn tại Đức. Dân số già hóa sẽ làm giảm sút tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế nước này vào giữa thập niên tới.
Trong báo cáo về tình trạng già hoá dân số tại 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, Đức đang giữ vị trí thứ 3 với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 21,5%, xếp sau Nhật Bản và Italia. Trong khi đó, nhóm người có độ tuổi từ 15 đến 64 đang có xu hướng giảm, dẫn đến việc Đức phải đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động trong một số lĩnh vực. Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) dự báo tới năm 2040, cứ một người về hưu thì chỉ còn 2 người tiếp tục lao động tại Đức. Cũng theo dự báo trên, đến năm 2050, nước Đức sẽ mất đi khoảng 20% nhân công, do tình trạng già hóa dân số. Đến năm 2030, Đức sẽ thiếu hụt khoảng 3 triệu lao động có kỹ năng. Vào năm 2040, con số này là 3,3 triệu lao động. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân công đó, trong vòng 20 năm nữa, nước này sẽ phải “nhập khẩu” thêm nhiều lao động nước ngoài. Đây được xem là một thách đố vô cùng to lớn.
Để giải quyết bài toán dân số già tại nước Đức, một số giải pháp đã được đề cập, trong đó có việc đưa lượng người nhập cư tương đối lớn, khoảng 200.000 đến 300.000 người/năm, tham gia vào nền kinh tế Đức. Một giải pháp nữa là đưa thêm phụ nữ vào thị trường lao động và khuyến khích người lớn tuổi, người về hưu quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó là giải pháp tăng lương cho các lao động thời vụ để họ tăng số giờ làm tại các lĩnh vực mà nước Đức đang thiếu hụt nhân công. Nếu được triển khai đồng bộ và hiệu quả, những giải pháp này được dự báo sẽ giúp nước Đức giải quyết được bài toán thiếu hụt ít nhất 2 triệu lao động trong thời gian dài. Chính phủ Đức cũng đang tính đến giải pháp đẩy mạnh tự động hóa và sử dụng công nghệ robot trong sản xuất. Có những thời điểm mà nhiều ý kiến lo ngại rằng robot hóa sản xuất sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, sự tác động của máy móc vẫn chưa bù đắp được mối nguy cơ từ tốc độ già hóa dân số của một số quốc gia như Nhật Bản hay Đức.