Không chỉ các khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị mới “ăn” một cách “thô bạo” những cánh đồng lúa. Nhiều dự án dịch vụ du lịch và đặc biệt là xây dựng sân golf cũng đua nhau hướng đến vùng đồng bằng chuyên canh lúa. Đó là một điều hết sức vô lý, vì thông thường sân golf được xây dựng trên vùng đồi núi, trung du, bán sơn địa. Đáng nói hơn, thời gian qua, các tỉnh đồng bằng ven Hà Nội liên tiếp cấp phép cho hàng loạt dự án sân golf ngay trên những cánh đồng chuyên canh nông nghiệp từ ngàn đời nay.
Lúa hay sân golf?
Đầu năm 2007, tỉnh Hưng Yên cấp phép cho dự án xây dựng khu đô thị dịch vụ thương mại Văn Giang, trong đó trung tâm là sân golf 18 lỗ tại 2 xã Nghĩa Trụ và Long Hưng. Dự án chiếm 180ha và nằm hoàn toàn trên cánh đồng lúa của 2 xã này. Cũng vào thời điểm đó, UBND TP Hà Nội đã trao giấy phép đầu tư dự án khu du lịch sinh thái và sân golf Long Biên (36 lỗ) cho Công ty cổ phần Vincom.
Dự án có tổng số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng và “chiếm” 500ha vùng đất bồi phì nhiêu ven sông Hồng, giữa cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy. Điều đáng nói, cả 2 dự án sân golf này nằm cách nhau chỉ khoảng 20km và đất nơi đây đều đang được sản xuất nông nghiệp. Cùng vào đầu năm 2007, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã công bố quy hoạch chi tiết khu luyện tập thể thao và vui chơi giải trí Mễ Trì (huyện Từ Liêm) quy mô 32ha, trong đó, sẽ dành 10ha xây dựng sân golf 9 lỗ.
Ngay trên cánh đồng thôn Phúc Thọ (xã Nghĩa Trụ), khi trò chuyện cùng chúng tôi, một người phụ nữ nói: “Không hiểu “ông Nhà nước” tính toán thế nào mà cho làm sân golf tại đây. Đồng ruộng đẹp thế này, mỗi năm làm 2 vụ lúa ăn chắc. Mai mốt thu hồi hết ruộng, chúng tôi biết làm gì mà ăn. Một sào ruộng nghe đâu sẽ trả 36 triệu đồng, tiêu mấy mà chả hết. Nhà 4-5 miệng ăn, không có ruộng mà làm, lúc đó lại chạy gạo từng bữa…”. Nói rồi người phụ nữ chỉ cho chúng tôi xem tấm biển thông báo quy hoạch khu đô thị – dịch vụ – thương mại – sân golf cắm giữa cánh đồng lúa xanh mướt…
Việc phát triển sân golf là điều bình thường, nhất là đối với hoạt động du lịch. Thậm chí số sân golf ở Việt Nam còn ít hơn rất nhiều so với Thái Lan, Malaysia. Tuy nhiên, việc cấp phép dự án quá dễ dàng cho những dự án sân golf hiện nay là điều cần xem xét.
Xung quanh dự án sân golf ở Văn Giang và Long Biên, TS Phạm Sĩ Liêm (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng: “Cuộc chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp là một quá trình tất yếu. Nhưng chúng ta nên chú ý, đây là sự chuyển đổi đơn chiều không thể quay trở lại… Tôi thấy cuộc chuyển đổi này đang theo phong trào, theo mốt mà thiếu sự cân nhắc. Sân golf ở các nước bị các nhà môi trường phản đối. Vì muốn duy trì sân golf, người ta phải sử dụng rất nhiều hóa chất để trừ sâu, nuôi cỏ. Ở Nhật Bản, Chính phủ nước này quy định rất nghiêm ngặt rằng sân golf phải làm trên sườn núi. Dù rất bất tiện nhưng ai muốn chơi thì phải lên đó”.
Đề cập đến việc quy hoạch và phát triển sân golf ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh từng phát biểu với báo chí rằng: “Cần lưu ý là tiêu chí đất nào được sử dụng làm sân golf, vì đất đai là tài nguyên quý của quốc gia, không thể phung phí. Quỹ đất có hạn, nếu sử dụng bừa bãi mà không có tầm nhìn dài hạn thì diện tích đất, vốn đã eo hẹp, sẽ ngày càng bị thu hẹp hơn, gây ra áp lực cho dân số… Ứng xử với đất đai vốn dĩ rất nhạy cảm. Chúng ta không thể biến ruộng đất của nông dân thành sân golf”!
Hiện cả nước có 16 sân golf hoạt động (nếu tính cả dự án đang triển khai thì khoảng 60 sân). Có 5.000 thành viên CLB golf, trong đó chỉ có khoảng 2.000 người chơi thường xuyên và cả nước có 100.000 người đủ khả năng kinh tế để chơi. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo việc xem xét lại quy hoạch các sân golf. Thủ tướng yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành rà soát lại việc quy hoạch sân golf, đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất các dự án đã được cấp phép hoạt động. Kết quả, phải báo cáo trong tháng 5 này. |
Tại Hà Tây, mới đây, Tập đoàn Tuần Châu Hạ Long đã tổ chức lễ động thổ dự án khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí Tuần Châu - chùa Thầy với diện tích 254ha. Trong đó, ngoài xây dựng khu đô thị cao cấp, khu biệt thự tiền tỷ thì còn có một dự án sân golf 18 lỗ, với tổng diện tích 93ha.
Sân golf này nằm tại cánh đồng “cò bay thẳng cánh” thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, nơi chỉ cách trung tâm Hà Nội có 15km. Theo quy hoạch của Bộ Xây dựng, sau khi sáp nhập, tuyến đường Láng - Hòa Lạc sẽ trở thành đường nội thị, thì khu sân golf Tuần Châu Hà Tây sẽ nằm lọt giữa những nhà và nhà.
Một sân golf khác là Sky Lake Golf and Resort Club do Công ty TNHH DK ENC làm chủ đầu tư, được xây dựng tại khu vực hồ Văn Sơn, huyện Chương Mỹ, với tổng mức đầu tư 22 triệu USD sẽ “ngốn” khoảng 200ha ruộng của nông dân. Trong khi đó, một nhà đầu tư Hàn Quốc khác cũng đang muốn “ngắm” khu cánh đồng nằm quanh thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ), dọc quốc lộ 6 - nằm cách Hà Nội khoảng 30km để xây một sân golf 36 lỗ rộng không kém gì sân golf hồ Văn Sơn. Cũng trên trục quốc lộ 6, cách Xuân Mai khoảng 3km, nằm áp sát 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình, nơi đang có chủ trương nhập về Hà Nội) là sân golf 100% vốn đầu tư Hàn Quốc mang tên Long Sơn, thuộc xã Lâm Sơn, Lương Sơn, cũng sắp đi vào hoạt động.
Từ Xuân Mai xuôi quốc lộ 6 về phía TP Hà Đông, cách Hà Nội khoảng 10km là dự án khu sân golf chùa Trầm (thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ). Đây là vùng đồng bãi phù sa sông Đáy, chuyên trồng rau xanh, là một trong những vành đai rau xanh của thủ đô. Thế nhưng sắp tới, khoảng 200ha đất đai màu mỡ ở đây sẽ phải nhường chỗ cho sân golf và nông dân lại phải bất đắc dĩ “tha hương”, kéo nhau đi tứ xứ làm thuê…
Xí phần đất đẹp!
Nếu tính cả sân golf đang hoạt động Đồng Mô thì vài năm nữa, Hà Tây nói riêng và khu vực phía Tây Hà Nội sẽ trở nên “bội thực” sân golf, vì sẽ có tới 6 sân. Còn sau khi sáp nhập vào Hà Nội, toàn bộ các sân golf của Hà Tây sẽ nằm lọt thỏm giữa thủ đô Hà Nội.
Lúc đó, không tính sân golf của những tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, riêng Hà Nội sẽ có khoảng 10 sân golf. Đây là điều mà nhiều nhà khoa học cho là rất vô lý, vì không có nước nào trên thế giới có sân golf nằm ngay giữa thủ đô như Việt Nam!
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, có thể các dự án xây sân golf giữa đồng bằng chỉ là việc “xí phần” đất có vị trí đẹp. Bởi rất có thể vào một ngày đẹp trời nào đó, các chủ đầu tư sẽ báo cáo hoạt động lỗ của sân golf và biến đổi thành các dự án bất động sản, chuyển sang xây dựng biệt thự, khu đô thị mới… Lúc đó, giá một mét vuông đất có thể đắt hơn nhiều lần khu đô thị An Khánh, Mỗ Lao đang được rao 20-25 triệu đồng/m2. Kịch bản này đã từng được “diễn” rất hoàn hảo tại khu đô thị Ciputra ở Tây Hồ - Hà Nội.
Tìm hiểu về dự án sân golf trên cánh đồng lúa ở Văn Giang (nằm cách quốc lộ 5 khoảng 3km), chúng tôi được biết, toàn bộ khu thương mại – dịch vụ – sân golf này sẽ nằm sát ngay quốc lộ 5 mới. Thử hình dung, khi quốc lộ 5 mới được xây dựng, toàn bộ dự án này sẽ là “đất mặt tiền” và lúc đó đây có thể sẽ là một khu đô thị mới với giá đất “trên trời”, chứ không phải là dự án sân golf đơn thuần! Theo một số người dân ở xã Nghĩa Trụ (Văn Giang), thì đó “chẳng qua là mấy ông làm dự án chiếm đất thôi, du lịch và sân golf gì ở đây. Chỉ khổ nông dân mất ruộng, chứ mấy ông quan chức thì có mất gì đâu…”.
Chúng tôi đã đi sâu vào khu sân golf Tuần Châu - Hà Tây nằm ở phía Tây-Nam chùa Thầy. Đây vốn là cánh đồng rộng hàng trăm hécta, kéo dài qua địa phận 2 huyện Quốc Oai, Thạch Thất. Bây giờ, đất đã san nền, cỏ dại thế chân cây lúa. Khu du lịch, sân golf chưa rõ hình hài, nhà đầu tư chỉ quây lại 4 bức tường rào để giữ đất.
Bên trong, một vài người tranh thủ dùng làm bãi tập lái xe ôtô. Đứng ở đây trông ra, bên phải là KCN Thạch Thất, bên trái là KCN Quốc Oai còn trong giai đoạn xây dựng. Phía sau là đường cao tốc Láng - Hòa Lạc và KCN Yên Sơn. Hình bóng cây lúa cứ biến mất dần, thay vào là nhà cửa, bê tông, máy móc, sắt thép… nông dân cũng đã mất dần, vì còn đất đâu mà cày cấy nữa!
Để chăm sóc mặt sân golf đạt tiêu chuẩn, theo định kỳ một lượng hóa chất khá lớn phải đổ xuống để trừ sâu bệnh, nấm mốc cho các thảm cỏ. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), trên mỗi hécta sân golf người ta phải sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất/năm, tức là gấp khoảng 3 lần so với một khu canh tác nông nghiệp cùng diện tích. Hóa chất đổ xuống trôi theo đường dẫn của nước tưới, nước mưa và hòa tan xuống tầng nước ngầm. Các chất độc hại này là căn nguyên của khá nhiều căn bệnh hiểm nghèo, cũng như làm mất đi sự đa dạng sinh học. Một sân golf 36 lỗ tiêu thụ mỗi ngày 10.000m3 nước. Để phục vụ nhu cầu này, các máy bơm công suất lớn được huy động làm việc tối đa cả ngày lẫn đêm, gây ra tình trạng tụt giảm nước ngầm ở các khu vực liền kề. |
TRẦN LƯU – VĂN PHÚC