Quà quê ở phố

Quà quê ở phố

Quà quê lên phố, cụm từ này bây giờ không còn lạ nữa. Những hàng quán bán các món ăn dân dã của một vùng đất nào đó, để những người xa quê có dịp thưởng thức và nhớ lại quá khứ, về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, giờ có mặt nhan nhản ở hầu khắp các ngõ ngách của Sài Gòn.

Quà quê ở phố ảnh 1

Quê nội tôi ở Bạc Liêu. Mỗi lần về thắp nhang cúng kỵ, giỗ chạp ông bà, tôi đều ra đường Hai Bà Trưng, đoạn gần Cầu Quay để ăn bánh cóng.

Những tưởng loại bánh bột chiên nhân đậu xanh, ăn cặp với rau sống này chỉ có ở dưới quê, nào ngờ tuần rồi đi ngang góc đường Nguyễn Tri Phương, Bà Hạt (Q10) thì thấy mấy cái quán nhỏ ghi biển “Bánh cóng Bạc Liêu”, bên dưới là chảo dầu sôi sùng sục, đích thị là món quà quê mà tôi ưa thích.

Ngồi ăn bánh cóng cũng có mấy người bạn đồng hương. Ai nấy thoăn thoắt lặt rau, gói bánh, nhúng vào chén nước mắm tỏi ớt, vừa không ngớt nhắc về bản quán, vừa nhai rào rạo.

Gần nhà mẹ tôi, chỗ trước cửa Khu chế xuất Tân Thuận, đêm nào cũng có trăm hàng quán bán đủ thứ món ăn khắp vùng miền như bánh canh chả cá Nha Trang, bún bò Huế, bún nước lèo Sóc Trăng, bánh xèo miền Trung... vì đa số công nhân ở đây là những người xuất thân từ các vùng quê kể trên. Họ hay ra vệ đường tìm món lót dạ quen thuộc nào đó trước khi vào hay tan ca. Tôi để ý có một cô bé người Nha Trang, chỉ ăn độc món bánh canh chả cá giá 3.000 đ/tô.

Nhìn gương mặt mặn mòi xứ biển, tôi đâm thèm bánh canh Nha Trang quá chừng, rồi nghiện luôn hồi nào không hay. Bà xã tôi quê gốc ở Phan Rí Cửa (Bình Thuận). Thi thoảng, nàng lại dẫn tôi luồn sâu vô mấy cái hẻm trong chợ Lê Hồng Phong, chỉ để ăn loại gỏi cuốn thịt nướng, trứng vịt xắt lát, chấm nước mắm pha tương xay, đậu phộng rang giã nhuyễn và ớt đỏ. Vợ tôi bảo: “Đây là đặc sản mà ngày xưa má em hay làm cho em ăn”. Thì ra nàng ăn vì nhớ quê, nhớ mẹ.

Món hủ tiếu gõ cũng vậy. Hủ tiếu thì nhiều nơi có, nào là hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho... nhưng hủ tiếu gõ có nét đặc trưng riêng. Những người chủ xe hủ tiếu đa phần là dân Đức Phổ, Quảng Ngãi. Công nhân quanh các khu công nghiệp Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Sóng Thần... đều thích ăn loại hủ tiếu này. Tôi có thằng bạn trước đây ban ngày đi học, đêm gõ “lóc cóc”. Bây giờ bạn thành đạt rồi, hai đứa cũng vẫn hay đi ăn hủ tiếu gõ, líu ríu trò chuyện với thằng nhóc bưng tô như người trong nhà, có khi hắn còn cho thêm tiền vì nhận ra đồng hương cùng thôn ở ngoài quê...

Mà Sài Gòn đâu chỉ có món ngon xứ Quảng. Bánh ướt Hà Nội trên đường Nguyễn Thị Minh Khai; chả cá Lã Vọng ở Cao Thắng; bánh canh Trảng Bàng ở Thanh Đa; gỏi cá Nha Trang trên đường Điện Biên Phủ... hàng trăm món ngon ở khắp mọi miền đất nước hội tụ về. Chuyện đó đâu mới mẻ gì. Thời còn loạn lạc, con cháu chú Hỏa ở vùng Chợ Lớn cũng từng du nhập món mì vịt tiềm, hoành thánh, hủ tiếu mì đầy mỡ tỏi, há cảo... từ “bên đó”; nay phố Hàn trên đường Phạm Văn Hai cũng đưa món kim chi vào phục vụ các thương nhân xa quê...

Hiện ngày càng nhiều lưu dân từ các nơi khác đến sinh sống nên Sài Gòn nhạy bén lập tức nở nồi các hàng quán để đáp ứng nhu cầu của thực khách xa quê. Riêng tôi, mỗi lần ăn xong bánh cóng Bạc Liêu thường xơi tiếp món nem nướng Tân An vì Long An có quán nem nướng Bình Minh nổi tiếng mấy thập kỷ nay rồi, và đó là quê ngoại của tôi.

Tin cùng chuyên mục