Theo quy định của Bộ GTVT, từ ngày 15-7 mọi hành khách, thuyền viên và người lái phương tiện ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân từ lúc rời bến đến lúc cập bến. Nhưng đến nay tại nhiều bến đò trên địa bàn TPHCM, chủ phương tiện vẫn phớt lờ quy định trên.
Trên địa bàn TP hiện có trên 36 bến đò với 90 phương tiện, có sức chở 4 - 98 người. Các bến này tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và quận 8. Hàng năm, các bến đò này chở hơn 3 triệu lượt khách. Đó là chưa kể, còn hàng loạt bến đò hoạt động trái phép có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói là các bến đò này thường xuyên chở quá tải, áo phao trang bị cho hành khách cũng không đủ, trong khi đó người dân vẫn chưa có thói quen mặc áo phao khi qua đò.
Các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh có nhiều bến đò hành khách đi lại rất đông và thường xuyên chở quá người quy định. Trong khi đó dòng chảy của các sông ở những khu vực này rất phức tạp, thường xuất hiện nước xoáy bất thường, nếu không may xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Vì những khu vực này dân cư thưa thớt, giao thông đường bộ lại cách trở nếu không may xảy ra lật hay chìm đò thì việc ứng cứu rất khó khăn. Đây là thực trạng đáng báo động đang diễn ra hàng ngày và dễ dàng nhìn thấy tại hàng loạt bến đò như Râm Bầu (nối huyện Nhà Bè với tỉnh Long An), bến đò ấp 3-4 (xã Hiệp Phước, Nhà Bè), An Phú Đông (nối quận 12 với Gò Vấp), bến phà Cát Lái (quận 2)... Hầu hết trên những chuyến đò ngang qua sông không hành khách nào mặc áo phao. Mặc dù phía trong đò có treo khá nhiều áo phao, một số đã cũ xếp thành hàng dài và có cả biển báo “Mặc áo phao khi đi đò” nhưng nhân viên không yêu cầu hành khách phải thực hiện. Trong khi đó, một số hành khách cho rằng, chỉ băng qua một đoạn sông ngắn, mặc áo phao rất bất tiện, hay “áo để lâu ngày dơ bẩn quá không dám mặc”.
8 tháng đầu năm 2013, mặc dù tai nạn giao thông đường thủy giảm so với cùng kỳ 2012 nhưng về tính chất mức độ lại nghiêm trọng hơn năm trước. Các tai nạn được liệt vào dạng đặc biệt nghiêm trọng, gây chết nhiều người lại xảy ra với các phương tiện gia dụng, phương tiện công vụ không được phép chở khách, chứ không phải xảy ra ở các bến đò ngang, đò dọc hay phương tiện chở khách chuyên nghiệp. Cụ thể, vụ tai nạn ở sông Sêrêpok làm thiệt mạng 7 kỹ sư do đi nhờ thuyền của một gia đình, hay vụ tai nạn xảy ra ở Quảng Trị làm thiệt mạng cả một gia đình do dùng thuyền đánh cá. Mới đây nhất là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở vùng biển huyện Cần Giờ, TPHCM…
Thực tế cho thấy nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy năm nay xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức luật pháp về an toàn giao thông cho người dân hơn nữa. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước cần phải nghiêm ngặt hơn đối với loại hình vận chuyển hành khách này.
QUỐC HÙNG