Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê: Những bức thư đầm ấm

Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê: Những bức thư đầm ấm

Năm 1984, khi Nguyễn Hiến Lê qua đời, nhà thơ Quách Tấn đã làm bài thơ Khóc Lộc Đình để viếng, trong đó có hai câu:

“Còn đâu những bức thư đầm ấm

Che bớt phong sương lúc trở trời”.

Ở đây, Quách Tấn muốn nhắc đến một kỷ niệm đẹp giữa hai tài năng nghệ thuật, những cánh thư lưu giữ tình bạn của hai người trong suốt những năm từ 1966 đến khi Nguyễn Hiến Lê mất. Quách Tấn đã cẩn thận gìn giữ tất cả những bức thư Nguyễn Hiến Lê gửi cho ông và dặn dò lại con cháu nếu có cơ hội hãy phổ biến các bức thư này để người đời hiểu thêm về văn chương và con người Nguyễn Hiến Lê. Sau này, khi thực hiện di chúc của ông, con cháu phát hiện ra là nếu làm như ông nói mới chỉ thể hiện một nửa tình bạn văn thơ giữa hai người, nửa còn lại chính là những bức thư Quách Tấn gửi cho Nguyễn Hiến Lê. May mắn sao, dù qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những bức thư đó vẫn còn được giữ gìn dù không trọn vẹn. Tổng cộng, con cháu tìm lại được hơn 200 bức thư hai ông gửi cho nhau, loại ra những bức thư mang tính chất cá nhân, còn lại khoảng 170 lá thư có liên quan đến cuộc sống văn học của cả hai được tổng hợp lại và xuất bản thành sách với nhan đề Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê: Những bức thư đầm ấm do NXB Tổng hợp TPHCM và Công ty Saigon Media liên kết thực hiện, Công ty Văn hóa Phương Nam phát hành.

Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) tự là Lộc Đình quê ở Sơn Tây, là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế...

Quách Tấn (1910 - 1992) tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là “Bàn thành tứ hữu”, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Hai con người, hai nghệ sĩ, hai tài năng lớn, cả cuộc đời họ vẻn vẹn chỉ gặp nhau có 4 lần nhưng qua những tác phẩm họ đã hiểu rõ về nhau. Nguyễn Hiến Lê gửi bức thư đầu tiên cho Quách Tấn nhằm cảm ơn về việc đã tặng ông tập thơ Đọng bóng chiều, lá thư đề ngày 9-4-1966, đó là lần đầu tiên họ chính thức thư từ cho nhau. Bức thư cuối cùng do Nguyễn Hiến Lê gửi đề ngày 11-12-1984, chỉ 11 ngày trước khi ông qua đời (22-12-1984), không kịp nhận thư hồi âm của bạn.

Qua hơn 170 bức thư hai nhà văn hóa lớn gửi cho nhau, bạn đọc có thể thấy những lát cắt cuộc sống của hai người tri âm tri kỷ trong văn học. Những giọng văn chừng mực, chân thành, thanh tao của mỗi bức thư đã khắc họa nên những nét nhân cách đẹp của hai bậc văn tài. Không những thế, những lá thư còn chuyển tải những suy nghĩ, trao đổi, những cảm nhận của mỗi người về các vấn đề của văn chương, nghệ thuật. Trong đó không thiếu những tư tưởng văn học đáng quý, những thông điệp văn chương đặc sắc. Những bức thư còn làm nổi bật lên một mối quan hệ văn chương rất đặc biệt giữa hai nghệ sĩ, có lúc rất đời thường như trao đổi với nhau về gia đình, bệnh tật, có khi lại đầy thâm sâu với đề tài về những suy nghĩ, cảm ngộ riêng về thơ, văn… Đọc những bức thư này, bạn đọc có thể hiểu thêm hoàn cảnh làm nảy sinh những tư tưởng, những sáng tạo trong nghệ thuật của hai nghệ sĩ.

Cuốn sách thực sự là một nguồn tư liệu quý cho những ai đã và đang yêu quý, say mê tác phẩm của Quách Tấn, Nguyễn Hiến Lê, và cho cả những ai muốn hiểu thêm về nhân cách, con người, cuộc sống và sự sáng tạo của họ trong lịch sử văn học nước nhà.

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục