Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 11-5, đánh dấu sự trở lại của chính khách từng lưu vong ở nước ngoài của Pakistan. Sự trở lại của ông Sharif khiến các nước lớn như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc buộc phải có những tính toán mới trong kế hoạch ngoại giao với quốc gia có vị thế đặc biệt tại Nam Á này.
Sau khi ông Sharif đắc cử, Mỹ đã nhanh chóng nhấn mạnh đây là sự chuyển giao chính phủ dân sự hòa bình và minh bạch, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng dân chủ. Washington sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ mới ở Pakistan như các đối tác bình đẳng. Việc tái đắc cử của ông Sharif được coi là cơ hội để Mỹ nỗ lực tìm cách tái lập quan hệ với Pakistan, vốn đã bị rạn nứt nghiêm trọng trong những năm qua. Nhưng liệu việc hợp tác có trở nên dễ dàng hơn dưới thời ông Sharif - nhân vật từng bị Mỹ lật đổ trong cuộc đảo chính không đổ máu vào năm 1999, buộc phải ngồi tù và sống lưu vong?
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Sharif đã chỉ trích chính sách thân Mỹ của Tổng thống Zardari, cho thấy nhà lãnh đạo này muốn làm giảm ảnh hưởng của Washington tại Pakistan. Nhưng Mỹ buộc phải kết thân với Pakistan vì nước này rất cần Islamabad hợp tác chống lại các phiến quân ở Pakistan và Afghanistan khi trọng tâm cuộc chiến chống khủng bố ở Mỹ chuyển về Islamabad. Theo Christian Science Monitor, báo cáo do Trung tâm Tiến bộ Mỹ công bố trước cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái đã chỉ rõ, Chính phủ Mỹ cần tính toán đến kế hoạch hợp tác thật sự với Pakistan và không nên kiểm soát quá trình chính trị nội bộ của quốc gia này. Chỉ có Pakistan mới giải quyết được tình hình đất nước và thiết lập một hệ thống dân chủ ổn định, có khả năng cân bằng các nhóm lợi ích đa dạng và giải quyết hiệu quả thách thức của đất nước.
Đối với Ấn Độ, quốc gia thường nổ ra tranh chấp lãnh thổ và tranh cãi về khủng bố, Thủ tướng Sharif đã phát đi tín hiệu mong muốn cải thiện quan hệ ngoại giao với New Delhi. Phía Ấn Độ cũng bày tỏ hy vọng sẽ bắt đầu một chương mới trong mối quan hệ láng giềng với Pakistan. Dù thường xuyên nổ ra căng thẳng nhưng Ấn Độ phải tính toán đến việc xem xét quan hệ với Pakistan, bởi nước này đang trở thành con bài chiến lược của Mỹ và Trung Quốc tại Nam Á. Với vị thế là một quốc gia ngày càng có tiếng nói tại châu Á, Ấn Độ sẽ không dễ dàng bỏ qua sự hợp tác quan trọng này.
Riêng đối với Trung Quốc, quan hệ giữa hai nước sẽ không bị tác động nhiều do hai nước luôn duy trì chính sách thân thiết từ sau thời Chiến tranh lạnh. Rõ ràng, Pakistan và Trung Quốc có những lý do chiến lược để xích lại gần nhau. Với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Pakistan có được những vũ khí thông thường, tên lửa đạn đạo chiến thuật... Hiện Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Islamabad. Đổi lại, Islamabad luôn là một tiền đồn của Bắc Kinh nhằm kiềm chế Ấn Độ. Trung Quốc còn có lý do khác để hỗ trợ nền an ninh của Pakistan, vì Trung Quốc không muốn các chiến binh Đông Turkestan đang đòi ly khai khỏi Trung Quốc tìm thấy một nơi trú ẩn an toàn trên lãnh thổ Pakistan… Tân Hoa xã nhận định, Trung Quốc cũng phải rất thận trọng vì Bắc Kinh hiểu rằng, can dự sâu vào Pakistan chắc chắn sẽ khiến Ấn Độ khó chịu và tiềm ẩn nguy cơ tạo ra một điểm xung đột mới trong mối quan hệ tay ba giữa Bắc Kinh, New Delhi và Washington.
THANH HẰNG