Ngày 2-11, đánh dấu hơn 1 tháng kể từ khi không quân Nga bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria theo đề nghị của Tổng thống Assad, quân đội Chính phủ Syria đã tái chiếm nhiều vị trí quan trọng trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cục diện thay đổi
Theo quân đội Nga, tính từ ngày 30-9, không quân Nga đã có 1.400 đợt xuất kích, tiêu diệt 1.600 mục tiêu của IS. Những địa điểm bị phá hủy bao gồm 249 đồn chỉ huy, 51 khu huấn luyện, 131 kho đạn dược và nhiên liệu, cùng 786 trại tập trung. Ngoài việc điều các máy bay tới tấn công, Nga còn ra lệnh cho hải quân nước này phóng các tên lửa hành trình tầm xa, vượt gần 2.000km để tấn công khủng bố. Hiện chiến dịch của Nga đang được cho là nguyên nhân khiến toàn bộ cục diện ở Syria thay đổi.
Một cuộc không kích của quân đội Nga tại Idib, Syria
Nhờ sự hỗ trợ của không quân Nga, quân đội Chính phủ Syria đã giải phóng 50 thị trấn và ngôi làng ở Aleppo, Latakia, Idib, Homs và Damascus với diện tích lên tới 350km². Các cuộc không kích và phản công tiêu diệt nhiều chỉ huy của IS và lực lượng binh sĩ.
Theo Der Spiegel, quân đội Nga sau cải cách đã mạnh hơn tất cả các quân đội của các nước Liên minh châu Âu (EU) gộp lại, buộc giới quân sự Mỹ phải bất an. Trong những tuần lễ gần đây, Nga đã duy trì nhịp độ xuất kích với 96 chuyến bay chiến đấu/ngày. Và nhà lãnh đạo Nga Putin đã tuyên bố kế hoạch gia tăng chỉ số đó đến 300 cuộc/ngày. Tổng thống Syria Assad cho biết, nhờ các cuộc không kích của Nga, ngày càng có nhiều người dân Syria đang trở về quê nhà. Thống kê cho thấy, khoảng 800.000 người đã hồi hương với hy vọng hòa bình sớm được lặp lại.
Dưới sự tấn công dồn dập của quân đội Nga và Syria, hàng ngàn tay súng IS được cho là đã tháo chạy sang các nước như Iraq và Jordan. Mặc dù bị thiệt hại nặng nề do Nga và quân đội chính phủ tăng cường mở rộng các đợt không kích nhưng IS vẫn còn rất hung hăng. Ngày 1-11, IS đã tái chiếm Maheen bằng 2 xe bom cảm tử. Thị trấn Maheen có một căn cứ quân sự lớn, cùng một kho đạn dược của quân đội chính phủ.
Kế hoạch bị chỉ trích
Sau khi công bố quyết định việc gửi 50 lính đặc nhiệm đến Syria để hỗ trợ cho lực lượng đối lập, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hứng chịu nhiều chỉ trích. Nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái triển khai đặc nhiệm Mỹ đến Syria có thể khiến cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria thêm bất ổn khi cả Nga và Iran được cho là cũng đang tăng cường hỗ trợ quân sự cho chế độ của ông Assad chống lại lực lượng nổi dậy. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cũng thừa nhận rằng, quyết định gửi lính đặc nhiệm tới Syria sẽ đặt họ vào “con đường nguy hiểm”.
Nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã công khai chỉ trích quyết định của Tổng thống Obama, trong đó có những ứng viên Tổng thống. Ông Donald Trump, một trong hai ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa cho rằng, ông Obama hiện nay đang loay hoay với chính sách tại Syria. Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thương viện Mỹ, cũng công khai phản bác quyết định trên. Theo ông McCain, đây chỉ là sự thay đổi miễn cưỡng trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Mỹ.
Theo Reuters, việc triển khai lính đặc nhiệm tới Syria cùng với nỗ lực ngoại giao khi tham dự vào Hội nghị quốc tế mở rộng về Syria cho thấy có sự thay đổi lớn trong chính sách Syria của Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Obama đang chịu áp lực phải nỗ lực hơn trong cuộc chiến chống IS sau khi cục diện chống IS tại Syria thay đổi và thất bại của chương trình đào tạo và trang bị cho lực lượng đối lập ôn hòa ở Syria.
THANH HẰNG (tổng hợp)