
Kinh tế Trung Quốc đang ngày càng khẳng định vị thế siêu cường, có tầm ảnh hưởng toàn cầu cũng như với mỗi quốc gia. Vì vậy, trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam phải có chiến lược, quan điểm khoa học rõ ràng… Đây là tinh thần của hội thảo “Định hướng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế VN- TQ trong bối cảnh mới” vừa tổ chức tại Hà Nội.
Cơ hội và thách thức

Cao su thô là mặt hàng Trung Quốc nhập nhiều từ Việt Nam. Ảnh: Tuấn Hưng
Nhiều năm gần đây, Trung Quốc liên tục đạt mức tăng trưởng hàng đầu thế giới. Tổng GDP vượt 2.200 tỷ USD và dự trữ ngoại tệ lên đến 1.330 tỷ USD. Với 1,3 tỷ dân, quốc gia này trở thành nền kinh tế có sức mua lớn nhất hành tinh, đồng thời có những chiến lược quy mô, những đối sách hữu hiệu cho công cuộc phát triển của mình. Theo Giáo sư Nguyễn Mại: “Sự phát triển và tiềm lực của Trung Quốc được xem là cơ hội đồng thời cũng là mối đe dọa với tất cả các cường quốc kinh tế cũng như với những quốc gia lân cận như Việt Nam. Nếu có đối sách đúng thì thách thức biến thành cơ hội và ngược lại”.
Phân tích tình hình quan hệ thương mại hai nước Việt – Trung, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết chúng ta đang mất cân đối trầm trọng cả về lượng và chất. Từ năm 2001 đến nay, thâm hụt thương mại ngày một lớn và đã vượt ngưỡng 200%. Năm 2006 Việt Nam xuất sang Trung Quốc 2,486 tỷ USD, giảm 2,6% so với năm 2005, trong khi Trung Quốc xuất sang Việt Nam 7,465 tỷ USD, tăng 32,3%. Đối chiếu số liệu của hai nước, mức nhập siêu của Việt Nam năm 2006 là 176,2%. Nếu tính cả thương mại dịch vụ, ngân hàng, du lịch, viễn thông và mua điện thì con số này còn lớn hơn nữa… Với việc chúng ta gia nhập WTO, cam kết giảm thuế nhiều mặt hàng, dự báo Trung Quốc sẽ còn xuất khẩu mạnh hơn nữa sang Việt Nam.
Xét về chất, trao đổi thương mại hai bên ngày càng bất lợi cho Việt Nam. Những mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất sang Trung Quốc là nguyên liệu thô như dầu thô, quặng khoáng sản, cao su, than đá, hải sản… chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu, cao hơn mức trung bình trong tổng xuất khẩu (nguyên liệu thô chiếm 23,4% trong tổng). Ngược lại Trung Quốc xuất sang Việt Nam chủ yếu là những mặt hàng có giá trị gia tăng rất cao. Các nhà khoa học đều nhận thấy, so với các nước xung quanh tương đồng điều kiện với Việt Nam, chúng ta là nước thu lợi ít nhất từ quan hệ với Trung Quốc.
Cạnh tranh, hợp tác
Nguyên nhân của tình trạng trên, các nhà nghiên cứu đều chung nhận định: Trung Quốc vốn đã là một đối tác quá mạnh về nhiều mặt so với chúng ta. Đây là mối quan hệ “sống còn” theo nhiều nghĩa. Và Việt Nam chỉ có thể vươn lên, tránh thiệt thòi khi phân tích được tình hình và chọn được hướng đi thích ứng. Về sản xuất, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhãn hiệu bia Vạn Lực của Trung Quốc đã từng tràn lan khắp thành thị thôn quê, khiến ngành rượu bia giải khát trong nước lao đao. Nhưng các doanh nghiệp ngành này đã vượt qua sức ép, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành và hiện nay bia Hà Nội, Sài Gòn, Halida… đã thống lĩnh thị trường. Tương tự là chuyện của sứ Minh Long, Hải Dương hay xe máy… Đặc biệt với ngành dệt may -một ngành hàng mà Trung Quốc đứng đầu thế giới: Từ chỗ bị mất cơ bản thị trường nội địa vì hàng Trung Quốc, đến chỗ phân chia miếng bánh với Trung Quốc, nay nhiều thành phố của ta sử dụng hàng dệt may Việt Nam với tư cách “hàng hiệu”…
Bài học ở đây là: cạnh tranh, hợp tác (một cách tự tin) trên từng công đoạn, từng khâu chế tác, từng phân khúc thị trường. Hoặc triển khai hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Nếu không thể cạnh tranh, chúng ta nên tìm con đường khác. Bài toán này rất khó và nghiêm túc với tất cả doanh nghiệp cũng như nhà quản lý. Muốn vậy việc đầu tiên ta phải biết được Trung Quốc đi hướng nào, cách thức, chiến lược của họ ra sao, thì mới có thể có chiến lược phù hợp.
Còn tiến sĩ Võ Đại Lược cho rằng quan hệ thương mại đa phương sẽ giúp ta tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc cả về nguồn cung cấp máy móc, hàng hóa cũng như thị trường. Mặt khác ta có thêm sức mạnh công nghệ, kinh nghiệm, vốn… để đối ứng với Trung Quốc có hiệu quả hơn. Theo ông Lược, chiến lược thương mại của Việt Nam cần xây dựng trên quan điểm: đặt quan hệ Việt- Trung trong bối cảnh “Việt Nam quan hệ với các nước lớn”. Tức là chúng ta phải có chiến lược thương mại với các nước lớn và trong đó có Trung Quốc.
Đăng Minh