Vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông công bố những con số thống kê gây giật mình: Chỉ trong vòng 10 ngày sau sự kiện vụ thảm sát cả gia đình tại tỉnh Bình Phước, đã có hơn 1.700 bài viết đăng tải trên các phương tiện truyền thông mạng. Trong đó, có trang mạng đăng tải hơn 110 bài viết về vụ án, nghĩa là trung bình mỗi ngày 11 bài!
Để viết được nhiều như vậy, các trang tin mạng đã không từ một đề tài nào, riêng việc miêu tả chi tiết vụ án theo hướng “rùng rợn hóa”, kỷ lục thuộc về một tờ báo mạng với 20 bài viết. Các tờ báo còn làm thay công việc của cơ quan điều tra khi tự suy diễn thủ phạm với “thành tích” cao nhất của một báo mạng là 35 bài viết. Việc khai thác các thông tin của nạn nhân cũng được “ưu ái” với khoảng 30 bài…
Chính vì vậy, sự kiện đưa thông tin về vụ án mạng ở Bình Phước vừa qua đã trở thành ví dụ minh họa cụ thể nhất tình trạng bát nháo trong truyền thông mạng hiện nay. Như vấn đề trách nhiệm đối với thông tin, việc tự suy diễn của một số trang tin điện tử đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những cá nhân liên quan. Do các thông tin từ những bài báo suy diễn kiểu này, cuộc sống của họ bị đảo lộn, nhiều người đã phải tạm dừng mọi hoạt động hàng ngày vì đi đâu, làm gì cũng bị mọi người nhìn với ánh mắt nghi ngờ. Thậm chí những bài viết suy diễn còn gây ảnh hưởng đến cơ quan điều tra khi bên cạnh việc phá án họ còn phải giải thích các thông tin suy diễn thiếu chứng cứ để trấn an dư luận.
Một điều rất dễ nhận thấy là với số lượng bài viết khổng lồ như vậy, ngay cả với những tờ báo lớn, có đội ngũ phóng viên dày đặc cũng khó có thể thực hiện nổi huống gì với các trang tin điện tử, báo mạng vốn thường ít phóng viên, cộng tác viên. Cách giải quyết nhanh và đơn giản nhất trong trường hợp này là sao chép của nhau. Rất nhiều bài viết chỉ thay tên nhân vật là thành bài mới, đăng đi đăng lại ở các trang tin điện tử khác nhau.
Trước thực trạng trên, việc siết chặt quản lý các trang truyền thông mạng đã được đề ra. Một trong những giải pháp được kiến nghị hiện nay là tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan chủ quản các trang thông tin mạng. Hiện nay, một số báo mạng, trang tin điện tử hoạt động dưới danh nghĩa của các cơ quan, tổ chức nhà nước nhưng trên thực tế cơ quan chủ quản hoàn toàn buông lỏng việc quản lý, giám sát. Thậm chí, có báo mạng tồn tại gần 10 năm nay và rất nổi tiếng nhưng hầu như không ai biết cơ quan chủ quản của trang này lại là một tổ chức xã hội chuyên ngành hẹp, ít tên tuổi. Việc quản lý, gắn chặt trách nhiệm của cơ quan chủ quản với các báo mạng được cho là sẽ góp phần chấn chỉnh hoạt động của truyền thông mạng. Trên thực tế, sau một loạt các sự kiện đưa tin sai, thiếu trách nhiệm, một số cơ quan chủ quản cũng đã tiến hành siết lại các báo mạng do mình quản lý và đang mang lại hiệu quả ngay lập tức khi các báo này đã giảm bớt các thông tin kiểu câu khách, giật gân.
TƯỜNG VY