Nhiều vấn đề liên quan đến hàng loạt sự cố tầng hầm ở các công trình xây dựng, sự cố sụp lún nền đường, các “hố tử thần” xuất hiện… tại TPHCM đã được đặt ra tại hội thảo chuyên đề “Quản lý chất lượng công trình xây dựng trong giai đoạn hội nhập” do UBND TPHCM và Sở Xây dựng TP tổ chức ngày 8-12.
5 tháng - 57 sự cố sụp lún
Đó là số liệu do ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM, nêu ra tại hội thảo. Theo ông Trường, từ tháng 7-2010 trên địa bàn TP đã xảy ra nhiều sự cố về an toàn giao thông, trong đó có 57 vụ sụp lún nền đường gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong đó, chỉ 6 ngày đầu tháng 12 đã có thêm 3 vụ sụp lún.
Qua phân tích sơ bộ, ông Trường đưa ra một số nguyên nhân: các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu được xây dựng qua nhiều thời kỳ đã và đang xuống cấp; công tác phối hợp xử lý công trình hạ tầng kỹ thuật giữa các đơn vị quản lý chuyên ngành với các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư và đơn vị thi công còn chậm làm kéo dài thời gian thi công nên móng đường bị ngâm nước gây phá hủy kết cấu (khi gặp trời mưa); TPHCM thường xuyên bị ngập, thoát nước không kịp khi triều cường và mưa lớn làm nền mặt đường bị ngâm nước, đây là tác nhân chính gây hỏng nền mặt đường.
Ngoài ra, một nguyên nhân cơ bản và mang tính bao trùm, theo ông Trường đó là sự phối hợp giữa sở - ngành cùng quản lý các công trình nổi và ngầm trên địa bàn không có sự đồng nhất, thậm chí còn chồng chéo gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, khai thác và bảo dưỡng. “Tuy đã có sự phân công chỉ đạo cụ thể nhưng thực tế nhiều sự cố xảy ra, có những vị trí không tìm ra được đơn vị làm chủ để quy trách nhiệm” - ông Trường nói.
Với những vấn đề đặt ra, các ý kiến tại hội thảo cho rằng, TP cần phải có tổng chỉ huy công trình; nếu không, mặt đường sẽ luôn bị đào, bới và “hố tử thần” vẫn còn.
KS Vũ Đức Thắng cho rằng, mức độ nguy hiểm và mới lạ của “hố tử thần” đã được nhiều cuộc hội thảo đưa ra và tranh luận rộng rãi nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Trong khi đó “hố tử thần” vẫn xuất hiện nhiều và ngày càng nguy hiểm hơn.
Đơn cử: Đêm 14-11, đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) bất ngờ nứt vỡ rồi sụp xuống thành 2 hố sâu, bên dưới trống rỗng, ngay sát gác chắn tàu hỏa, chỉ cách đường tàu 2m, rất nguy hiểm cho đoàn tàu; ngày 22-11, “hố tử thần” xuất hiện trước nhà 508 đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)…
Tuy nhiên, do cần đảm bảo giao thông thông suốt, các hố này đã được trám lại ngay, xóa sạch dấu vết hiện trường trong khi chưa có điều tra, khảo sát nào về nguyên nhân gây sụp lún. Vì “vỡ đâu hàn đấy” nên chẳng ai dám hứa chắc với người dân rằng khi nào mới hết các “hố tử thần”.
Để sớm tìm ra nguyên nhân nhằm hạn chế phát sinh các “hố tử thần”, theo KS Vũ Đức Thắng, cần tổ chức các cuộc khảo sát, điều tra ngay tại chính từng “hố tử thần” đó bằng các tác nghiệp chuyên môn.
Trước tình hình cấp bách, KS Vũ Đức Thắng kiến nghị TP tổ chức đoàn chuyên gia tư vấn độc lập, gồm các chuyên gia về thiết kế thi công có vị trí độc lập không nằm trong các cơ quan quản lý nhà nước để có tiếng nói khách quan, cung cấp các kết luận điều tra tại hiện trường, thu thập các chứng cứ để các cơ quan chức năng có tài liệu khảo sát và phát xét.
Tăng và bổ sung xử phạt
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, viễn cảnh về dự án, công trình, hoạt động xây dựng nói chung của ngành xây dựng tại TP rất khả quan. Tuy nhiên, những vi phạm trong quản lý chất lượng công trình xây dựng vẫn không ít. Ngoài những yếu tố ngẫu nhiên, xui rủi vẫn còn nhiều trường hợp chất lượng công trình kém là do nguyên nhân chủ quan từ các phía (chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, thầu thi công).
Bên cạnh đó, việc xử phạt vẫn còn nhiều khoảng trống, lực lượng thanh tra xây dựng các cấp vẫn chưa làm hết trách nhiệm; nhiều quy định của Chính phủ chưa được “phủ kín”, chưa theo kịp diễn biến phức tạp của thực tế nên gặp lúng túng trong áp dụng. Ông Hiệp cho rằng, chất lượng các dự án, trong đó chất lượng hoàn thiện, vẫn còn là vấn đề nổi cộm, cần khắc phục.
Về vấn đề xử phạt, Sở Xây dựng nhìn nhận rằng, thanh tra xây dựng các cấp còn hạn chế năng lực. Mô hình thí điểm thanh tra xây dựng tại Hà Nội và TPHCM chậm được tổng kết để triển khai rộng khắp với chất lượng nguồn nhân lực cao hơn. “Việc xử phạt hiện nay chủ yếu tập trung vào xây dựng không phép, sai phép (vẫn chưa đạt ở một số trường hợp) thì việc lực lượng này phát hiện những vi phạm về chất lượng công trình xây dựng để xử lý từ đầu vẫn còn nan giải. Và như vậy là những vi phạm chắc chắn vẫn còn xảy ra do không nghiêm từ đầu”, ông Hiệp trần tình.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cho rằng, mức xử phạt vi phạm trong xây dựng theo NĐ 23/CP đã tăng nặng hơn so với trước đây nhưng một số lĩnh vực vẫn chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc xử phạt cũng chưa kín kẻ nên cần phải điều chỉnh, bổ sung tăng mức phạt ở một số vi phạm như nhận công việc quá năng lực, xử phạt đối vối giám sát công trình thi công không an toàn, tư vấn thiết kế sai, gây sự cố…
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Việt Nam, cho rằng yêu cầu về quản chất lượng công trình xây dựng trong giai đoạn hội nhập không chỉ quan tâm đến chất lượng công trình mà còn phải quan tâm đến an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân và những vấn đề khác như thích ứng với biến đổi khí hậu…
HẠNH NHUNG