Trước bức xúc của dư luận về tình trạng xe cháy gia tăng, sau một thời gian nghiên cứu, mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu (RPTC) và Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong (Đại học Bách khoa TPHCM) đã đưa ra kết luận về các nguyên nhân gây cháy xe.
Theo đó nguyên nhân chính là việc sử dụng nhiên liệu kém chất lượng như xăng pha thêm các loại hóa chất làm phá hủy hệ thống ống dẫn và nguồn xăng rò rỉ có thể gây cháy. Với công bố này, việc quản lý chất lượng xăng dầu lại một lần nữa được đặt ra là trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu thuộc về ai?
Doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước có 13 doanh nghiệp đầu mối cung cấp và gần 13.000 đại lý xăng dầu. Trong số đó, khoảng 3.000 cửa hàng là trực thuộc các doanh nghiệp đầu mối, hơn 10.000 đại lý còn lại (chiếm đến 75%) là mạng lưới cửa hàng đại lý của các DN tư nhân.
Theo quy định của pháp luật, đại lý thuộc hệ thống của đầu mối nào, đầu mối đó phải có trách nhiệm giám sát. Thế nhưng các DN đầu mối cho rằng họ không có cơ chế cũng như quyền hạn.
Phó Tổng Giám đốc một doanh nghiệp đầu mối cho biết: “Chúng tôi là DN, các đại lý cũng là DN. Chúng tôi lấy tư cách gì để kiểm tra họ? Thêm nữa, quan hệ giữa 2 bên là quan hệ hợp đồng kinh tế. Họ có vi phạm, hình thức xử lý cao nhất đầu mối có thể làm là cắt hợp đồng thì đại lý cũng không sợ, bởi họ sẵn sàng ký với một đầu mối khác”.
Tại cuộc họp với Bộ Công thương về việc quản lý chất lượng xăng dầu trung tuần tháng 2-2012 vừa qua, đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối cũng cho rằng, cách quản lý việc phân phối của các đại lý, tổng đại lý hiện nay có nhiều kẽ hở và để quản lý được là điều rất khó do các hệ thống đại lý hiện chưa vận hành đúng Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Nghị định này quy định mỗi đại lý, tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối, song thực tế, các đơn vị này vẫn tìm cách “lách luật” ký với nhiều nơi và do đó không thể kiểm soát được chất lượng, vì khó phân định xăng dầu của đầu mối nào kém chất lượng để xử lý. Khi nào thực trạng này còn tiếp diễn thì việc quản lý chất lượng xăng dầu còn khó khăn.
Cũng theo các doanh nghiệp đầu mối, trách nhiệm của các doanh nghiệp đầu mối hiện nay cũng không được quy định rõ. Hiện nay, việc yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối đảm bảo chất lượng xăng dầu là đúng nhưng doanh nghiệp đầu mối kiểm soát như thế nào và trách nhiệm đến đâu thì lại không rõ.
Theo Nghị định 84, doanh nghiệp đầu mối chỉ được kiểm tra tổng đại lý, đại lý về thủ tục, nếu phát hiện sai phạm có thể chấm dứt hợp đồng chứ không có quyền xử phạt. Do đó, đại lý vi phạm khi bị phát hiện lại có thể ký hợp đồng với doanh nghiệp khác. Chính điều này khiến cho việc gian lận số lượng hoặc chất lượng xăng dầu vẫn cứ tiếp diễn.
Mặc dù có nhiều ý kiến nêu ra những khó khăn như đã nêu trên nhưng Bộ Công thương vẫn khẳng định “Doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu”. Các vướng mắc vượt quá thẩm quyền nếu có sẽ được các ngành chức năng tham gia xử lý.
Cách làm của PV OIL
Trước bức xúc của dư luận và người tiêu dùng, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PV OIL là đơn vị xăng dầu đầu mối đầu tiên lập kế hoạch kiểm tra và lấy mẫu đột xuất từ bể chứa của các đại lý. Tại tổng kho xăng dầu Nhà Bè, mỗi ngày có hàng triệu lít xăng dầu được cung cấp cho các tổng đại lý và đại lý trực tiếp của PV OIL. Bên cạnh đó, một phòng thí nghiệm cũng đang được PV OIL gấp rút xây dựng. Thay vì chỉ lấy mẫu một lần duy nhất, tới đây PV OIL có thể sẽ lấy mẫu của bất kỳ đại lý nào và vào bất kỳ thời điểm nào.
Bài toán khó nhất đối với các nhà sản xuất và phân phối xăng dầu là gia tăng các điều khoản ràng buộc về chất lượng xăng dầu bán ra của đại lý. Chất lượng xăng dầu bán ra đã bị thả nổi trong suốt một thời gian dài. Bằng chứng là trong mọi hợp đồng đại lý đều không có bất cứ chế tài xử phạt nào nếu có vi phạm xảy ra. Mức xử phạt hành chính từ trước tới nay đều rất thấp so với lợi nhuận thu được từ hành vi gian lận. Vì vậy để khắc phục, loại bỏ tình trạng này, ngoài việc lấy và lưu 3 mẫu xăng dầu theo quy trình tại kho, người vận chuyển và tại đại lý, PV OIL còn tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu bằng nhiều biện pháp.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Tổng giám đốc PV OIL, cho biết: PV OIL đã thành lập một “Đội đặc nhiệm” để kiểm tra chất lượng xăng dầu, thậm chí nhân viên PV OIL phải đóng giả người mua hàng để lấy mẫu mang đi kiểm tra. Phòng thí nghiệm tại tổng kho xăng dầu Nhà Bè khi đưa vào hoạt động sẽ phân tích kịp thời số mẫu xăng dầu lấy liên tục và đột xuất từ các đại lý.
Với những biện pháp rất cụ thể và tích cực này, chất lượng xăng dầu tại các đại lý của PV OIL luôn được đảm bảo. Đây cũng chính là cách làm tích cực để các doanh nghiệp đầu mối có thể áp dụng ở đơn vị mình.
NGUYỄN THU TUYẾT