Ngày 24-10, Cục Viễn thông, Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đã tổ chức hội thảo chuyên đề về đại lý Inetrnet và nội dung thông tin trên Internet. Các ý kiến tại đây cho thấy các chính sách chưa theo kịp sự phát triển trong bối cảnh bùng phát ứng dụng, nội dung trên Internet trong thời gian qua.
Bà Lý Lệ Quỳnh, chủ một tiệm Internet công cộng ở quận 1, TPHCM cho biết: “Phòng máy của tôi có 120 máy vi tính, từ ngày thành phố có những biện pháp hạn chế game online (GO), chỉ có chừng 10 máy hoạt động, doanh thu giảm nghiêm trọng, có nguy cơ thua lỗ nặng”. Chính vì lẽ đó, việc xây dựng văn bản pháp luật cần hài hòa nhiều phía, nên xem xét đến lợi ích hợp pháp của người kinh doanh.
Bà Lê Thị Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng thời gian gần đây, quản lý Internet công cộng có nhiều chồng chéo, có nơi thực hiện theo quy định của Bộ TT-TT nhưng có nơi làm khác, gây nên hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà cung cấp Internet (ISP), các tiệm Intrernet công cộng. Cụ thể, có trường hợp ISP này ngưng cung cấp Internet cho đại lý theo yêu cầu của Bộ TT-TT từ 22 giờ đến 8 giờ thì có ISP khác sẵn sàng cung cấp đường truyền khác không bị ngắt trong thời gian nói trên. Điều này đã gây thiệt hại kinh doanh đối với tiệm Internet công cộng nào thực hiện đúng quy định.
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số tại TPHCM cho biết vài doanh nghiệp nước ngoài như Google, Yahoo!... có doanh thu quảng cáo mỗi năm tại thị trường Việt Nam là 30 triệu USD nhưng các đơn vị này không hề bị ràng buộc bởi pháp luật trong nước và nội dung vi phạm kể nhiều không hết, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam chỉ vi phạm nhỏ cũng đã “mệt mỏi” với cơ quan chức năng. Tình trạng này cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam thua ngay trên sân nhà trong lĩnh vực quảng cáo trên Internet.
Trong khi đó, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội, cho rằng GO chỉ là một phần nhỏ của Internet. Internet còn mạng xã hội, blog, trang tin tổng hợp… nên việc quản lý cần sát thực thế hơn. Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, cũng thừa nhận, hiện đang có nhiều bất cập trong kinh doanh Internet giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy ông Hải cho rằng quản lý Internet cần có chính sách phù hợp hơn.
Để quản lý ở lĩnh vực Internet rõ ràng hơn, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG kiến nghị, nên có từng nghị định riêng cho từng lĩnh vực, đưa ra được hành lang pháp lý chi tiết. Cụ thể, nghị định quy định về doanh nghiệp hạ tầng, dịch vụ truy cập, an ninh mạng, đại lý Internet. nghị định quy định đối với doanh nghiệp nội dung, dịch vụ (mạng xã hội, video), trách nhiệm người sử dụng Internet và quảng cáo trực tuyến. Nghị định quy định riêng đối với doanh nghiệp GO… Hiện nay, chỉ riêng Nghị định 97/2008/NĐ-CP đã “ôm” quá nhiều lĩnh vực khiến khó có thể rành rọt trong quản lý nhà nước.
Bá Tân