(SGGPO).- Chiều 13-11, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp toàn thể.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) góp ý tại phiên họp
Phạt chậm nộp thuế chưa đủ răn đe
Đây là quan điểm của nhiều ĐB khi bàn về việc sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế. ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) phân tích: “Mức phạt tiền chậm nộp 0,05%/ngày (tương đương với khoảng 18,25%/năm) theo quy định hiện hành là quá cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng Dự thảo luật điều chỉnh giảm mức phạt tiền chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày xuống còn 0,03%/ngày (tương đương với khoảng 10,95%/năm) thì lại thấp hơn mức lãi suất quá hạn mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng), không đủ sức răn đe đối với các trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế cho Nhà nước. ĐB đề nghị áp dụng mức phạt là 0,04%/ngày. Đây cũng là quan điểm được các ĐB Danh Út (Kiên Giang), Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) đồng tình.
Cũng trong lĩnh vực quản lý thuế, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) không đồng tình với việc xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là DNNN thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như Dự thảo luật.
Tương tự, ông Trương Văn Vở cũng cho rằng, quy định xóa tiền nợ thuế đối với trường hợp: “doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này” là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
“Đây là những trường hợp cá biệt, vẫn cần được xem xét cụ thể từng trường hợp, không nên quy định trong luật hay nghị quyết thành một chính sách thường xuyên, phổ biến. Không thể chấp nhận việc lợi thì DN hưởng mà lỗ thì bắt nhà nước chịu – cũng tức là dân chịu”, ĐB Trương Văn Vở bình luận.
Chia sẻ quan điểm nêu trên, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phát biểu: “Cho xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là DNNN thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại có thể giúp sổ sách đẹp hơn, tiến tình cổ phần hóa (CPH) thuận lợi hơn một chút, nhưng sẽ tạo ra bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Mặt khác, giá trị DN CPH không được xác định đúng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và tạo ra tâm lý trông chờ vào chính sách xóa nợ thuế”.
Về thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô, các ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) lưu ý, cần cân nhắc thêm tác động của quyết định này đến cân đối ngân sách (sẽ làm giảm thu); hơn nữa hạ tầng giao thông sẽ bị tác động thế nào khi giảm thuế cho dòng xe phổ thông vừa tiền; liệu có dẫn đến tình trạng “bùng nổ” số lượng ô tô…
Miễn kê khai, nộp thuế cho nhiều đối tượng sử dụng đất phi nông nghiệp
Về quy định hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm dưới 50.000 đồng thì được miễn kê khai, nộp thuế, ĐB Danh Út bày tỏ sự nhất trí cao vì cho rằng có tới khoảng 12 triệu hộ/ cá nhân trong diện này, khiến cho chi phí hành thu có thể còn cao hơn số thuế thu được. Thậm chí, ĐB còn đề miễn kê khai, nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân có mức nộp dưới 100.000 đồng/năm.
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn có những ý kiến khác; có ĐB chưa đồng tình miễn thuế; có ĐB cũng đề nghị vẫn thu, nhưng để chi cho mục đích xây dựng nông thôn mới...
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì lại quan tâm đến giá bình quân tính thuế của sản phẩm, hàng hóa. Ông Cương phân tích: “Sau khâu sản xuất thì hàng hóa còn qua rất nhiều cấp lưu thông mới đến tay người tiêu dùng. Vậy thì lấy giá nào để tính thuế? Theo tôi, cần xác định lấy giá ở cơ sở kinh doanh cấp 1, tức là pháp nhân mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, vì xuống đến các nhà bán sỉ, bán lẻ cấp thấp hơn sẽ rất khó kiểm soát giá bình quân”.
Tán thành nội dung Tờ trình Chính phủ về bổ sung quy định: “Đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng”, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị bổ sung thêm sản phẩm là các loại dược liệu, với mục đích ủng hộ, hỗ trợ phát triển y học dân tộc. “Chúng tôi tính ra Việt Nam mỗi năm tiêu tốn bình quân 31 USD/ người tiền thuốc, trong đó một nửa cho thực phẩm chức năng và toàn phải nhập, trong khi đây là một ngành mà Việt Nam rất có tiềm năng phát triển”, ĐB trăn trở.
ANH PHƯƠNG