Chiều 27-11, thảo luận về dự án Luật Dược sửa đổi, nhiều ĐBQH nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện phát triển ngành dược trong nước, khai thác nguồn nguyên liệu dược phẩm tiềm tàng của nước ta; quản lý ngành dược từ đầu nguồn đến tận cuối nguồn, nghiêm trị bác sĩ bắt tay với công ty dược để “ép” người bệnh mua thuốc với giá cao…
Các ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Bùi Thị An (Hà Nội)… kiến nghị dự thảo luật bổ sung điều khoản mới về ưu tiên khuyến khích sử dụng thuốc trong nước; bao gồm nhiều giải pháp như tăng ngân sách nghiên cứu khoa học cho ngành dược; cho vay vốn ưu đãi để nhập trang thiết bị sản xuất thuốc tiên tiến. Lưu ý đến những đặc thù của nguồn dược liệu cũng như đội ngũ hành nghề đông dược Việt Nam, ĐB Ngô Thị Minh đề nghị nghiên cứu, thiết kế những quy định phù hợp hơn về kiểm soát chất lượng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm dược nội để các bài thuốc quý cổ truyền nhanh chóng phát huy được tác dụng. ĐB Ngô Thị Minh nhấn mạnh, để đảm bảo chất lượng thuốc, thì không chỉ cần chú trọng khâu “tiền kiểm” như đăng ký thuốc, cấp giấy phép hoạt động cho nhà thuốc, mà còn phải quy định cụ thể hơn về hệ thống bán lẻ, triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng từ khâu nguyên liệu cho đến khi đến tay người sử dụng; xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức nhập thuốc kém chất lượng…
Có cùng mối quan tâm đến quản lý chất lượng thuốc, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng cho rằng, cần tiến tới hài hòa hóa pháp luật trong nước với thông lệ quốc tế. Với mong muốn phát triển công nghiệp dược thành một ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh nhóm chính sách khuyến khích, dự thảo cũng cần quy định rõ thêm về việc xây dựng những tiêu chuẩn kỹ thuật thích hợp để tránh bị cạnh tranh không lành mạnh bởi những thuốc ngoại nhập có chất lượng không đảm bảo. ĐB Phong Lan cũng cho rằng “nên xem lại quy định chứng chỉ dược sĩ có quyền mở nhà thuốc trên toàn quốc” để tránh việc dược sĩ cho thuê bằng trá hình: sinh sống ở một nơi, nhưng “mở” nhà thuốc ở chỗ khác và không hề có sự quan tâm, chịu trách nhiệm về hoạt động của nhà thuốc trên thực tế.
Vẫn theo ĐB Phong Lan, các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cũng có tác động rất lớn đến sức khỏe của người dân, vì vậy cần có chương riêng quy định về vấn đề này trong luật. Đây cũng là ý kiến của ĐB Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM. “Thực phẩm chức năng hiện nay tràn lan và quảng cáo quá mức đến như thành thuốc thánh. Vai trò Nhà nước ở đâu? Bên cạnh đó, cần quan tâm đúng mức đến việc quản lý vaccine. Vừa qua nhân dân rất lo lắng về chất lượng Quinvaxem dù nói vaccine bao giờ cũng có tỷ lệ sai sót, nhưng người dân khó thông, vì tuy ít nhưng nếu rơi đúng vào con em họ thì rất đau xót”, ĐB Huỳnh Thành Lập bày tỏ.
ANH PHƯƠNG