Trả lời báo chí ngày sau khi trở về từ bàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: “Nông nghiệp và nông dân rất được quan tâm trong đàm phán TPP”. Khẳng định đó ít nhiều giúp người làm nông yên tâm trong thời điểm hiện tại, khi tác động của TPP chưa ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Còn thực tế, nếu không có những chính sách hỗ trợ nông dân quyết liệt hơn, thiết thực, hiệu quả hơn thì TPP có thể là một thử thách lớn.
Ba tôi làm nông ở xã Phú Tân, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Cách đây 3 năm, ông trồng gần 10ha chuối xiêm (giống địa phương). Sau hơn 1 năm, ông bắt đầu thu hoạch; thương lái đến mua tại vườn giá 3.500 - 4.500 đồng/kg; dịp tết giá tăng gấp đôi. Hàng tháng ông bán 2 lần, thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng. Nhưng tình hình thay đổi nhanh chóng, từ sau Tết Nguyên đán năm nay, người mua ngày càng ít, giá càng rẻ. Đến giữa năm không còn thương lái tìm đến mua nữa, bởi theo nhiều người, chuối xuất khẩu đi Trung Quốc bị dội hàng; còn bán cho các địa phương trong nước thì sức mua rất yếu. Từ đó, chuối bị bỏ chín trên cây rất nhiều. Không thể phá bỏ vườn chuối, ông chuyển sang bán lá; lúc đầu được 4.000 đồng/kg, sau giảm còn 2.500 đồng/kg, thu nhập giảm chỉ còn dưới 10 triệu đồng/tháng. Cây chuối đã lấy lá thì không thể có trái nhưng ba tôi phải “theo” cách này luôn, dù biết rằng đến cuối năm, chắc chắn chuối trái sẽ bán được giá.
Trường hợp của ba tôi có thể xem là điển hình của nhiều nông dân nước ta hiện nay: sản xuất quy mô nhỏ, giống cũ nên năng suất thấp, kỹ thuật sản xuất lạc hậu, ít áp dụng cơ khí hóa, đầu ra bị lệ thuộc gần như hoàn toàn … Ở vấn đề đầu ra, hiện nông sản phần nhiều xuất khẩu đi Trung Quốc, nếu thị trường này ngưng thu mua thì nhiều loại nông sản bị dội chợ (như từng xảy ra với dưa hấu, vải, thanh long…). Nay mai, nếu không có biện pháp quản lý hợp lý, cây mắc ca cũng sẽ xuất hiện ở nhiều nơi, dù không phải nơi nào cũng phù hợp thổ nhưỡng và có năng suất tốt nhất. Do sản xuất không tập trung, sự quản lý của nhà nước rất hạn chế nên chất lượng và mức độ an toàn của nông sản cũng ít được bảo đảm. Vì vậy, trong điều kiện bình thường, trừ một số loại có thể xuất khẩu ổn định, nông sản của nước ta luôn trong tình trạng tiêu thụ bấp bênh.
Tình thế đó đặt nông dân nước ta vào tình thế càng khó khăn hơn. Do đó, nông nghiệp, nông dân cần được quan tâm một cách đặc biệt. Trước hết, cần làm tốt quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa và quản lý tốt việc quy hoạch đó. Vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì, diện tích bao nhiêu, thị trường tiêu thụ ở đâu, năng lực chế biến thế nào… cần được xây dựng một cách khoa học với “nhạc trưởng” là Bộ NN-PTNT chứ không để các địa phương thực hiện. Công tác tuyên truyền về yêu cầu chất lượng, kiểu dáng, các tiêu chí về vệ sinh, môi trường… của nông sản trong điều kiện mới (nhất là với các chuẩn VietGAP, GlobalGAP) cần được tăng cường để nâng cao ý thức và trách nhiệm của nông dân trong quá trình sản xuất. Nông dân cũng cần được hỗ trợ về giống, kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật thu hoạch và bảo quản tốt hơn để có năng suất cao hơn, tránh thất thoát, hư hỏng và góp phần chủ động hơn trong thu hoạch, tránh bị quá tải khi vào mùa. Việc bao tiêu sản phẩm cũng cần được quan tâm, đừng để nông dân “tự bơi” thông qua việc gắn kết các thị trường tiêu thụ (cả trong nước và xuất khẩu); kết hợp với chế biến là cách không chỉ để tăng tiêu thụ mà còn tăng giá trị gia tăng của nông sản. Nhà nước phải chú trọng việc thực hiện bảo hiểm cho nông sản, nhất là với các nông sản chủ lực như lúa, cà phê, tiêu, cao su, điều, thủy sản… để hạn chế rủi ro cho nông dân đến mức thấp nhất. Vấn đề hết sức quan trọng là phải tăng năng suất gắn với giảm giá thành, cải tiến hình thức để tăng khả năng cạnh tranh.
Dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong GDP nhưng đây là lĩnh vực liên quan đến an ninh lương thực và cung cấp nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp; vì vậy, sự quan tâm của nhà nước đối với lĩnh vực này hết sức cần thiết. Hơn nữa, hiện có khoảng 60% dân số sống ở nông thôn, trong đó đa số trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nên cần phải giúp ngành nông nghiệp được hưởng các thuận lợi của TPP cũng chính là giúp hơn nửa dân số nước ta được hưởng lợi từ TPP.
TRÚC GIANG