Quảng bá phim “Sốc” sẽ thắng?

Quảng bá phim “Sốc” sẽ thắng?

Những đoạn phim quảng cáo trên truyền hình, ngoài rạp, trên mạng; những bài phỏng vấn đạo diễn hoặc các ngôi sao điện ảnh, bài bình luận phim của các phóng viên và nhà lý luận điện ảnh,... đó là một phần trong chiến dịch quảng bá, tiếp thị phim nhằm hấp dẫn người xem.

Thời buổi này, phim ảnh không được quảng bá, tiếp thị thì nắm chắc đến 90% thất bại. Câu “Hữu xạ tự nhiên hương” dường như không còn công dụng mấy trong thời buổi thông tin tràn ngập như hiện nay.

  • Gây chú ý: “Đòn” tâm lý đầu tiên
Quảng bá phim “Sốc” sẽ thắng? ảnh 1
Poster phim Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

Quảng bá, tiếp thị phim có hai giai đoạn quan trọng: gây chú ý khiến mọi người phải nhớ đến bộ phim và lôi kéo khán giả đến rạp. Giai đoạn đầu đơn giản là những thông tin liên quan đến bộ phim đăng tải trên các báo. Ngoài tin tức và các cuộc phỏng vấn, poster cùng các đoạn trailer (phim quảng cáo) cũng đóng vai trò quan trọng. Ở Việt Nam, các đạo diễn trẻ tỏ ra rất nhạy bén trong việc quảng bá, tiếp thị phim. Khi thực hiện Những cô gái chân dài, Vũ Ngọc Đãng luôn nhắc đến đôi chân dài 1m12 của Thanh Hằng và gây “sốc” khi tuyên bố “Tôi không cho diễn viên đọc kịch bản” cũng như đề xuất ý tưởng tổ chức cuộc thi thiết kế poster và website cho bộ phim.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (với phim điện ảnh đầu tay Hồn Trương Ba, da hàng thịt) lại xuất hiện trên mặt báo với biệt danh Dũng “khùng” cùng hình ảnh đầu ba chỏm. Đạo diễn Lê Bảo Trung lại dùng “đòn” gây tò mò bằng cách… lưu ý khán giả dưới 18 tuổi không nên đi xem với lý do “phim Đẻ mướn sẽ có nhiều màn nóng bỏng không dành cho trẻ em”. Cũng có nhiều kiểu gây “giật gân” khác như một đạo diễn tuyên bố mời nữ diễn viên đang dính scandal đóng phim của mình; hay một đạo diễn tuyên bố “tôi là pêđê”; một nam diễn viên than thở bị giới đồng tính quấy rầy sau khi đóng vai cảnh sát đồng tính...

  • Kéo khán giả đến rạp: “Đòn bẩy” quan trọng

Sau khi gây chú ý, bước quan trọng hơn là đưa ra lý do để thuyết phục khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp xem phim. Chẳng hạn, khán giả đi xem Những cô gái chân dài vì bộ phim nói về thế giới người mẫu (khán giả tò mò muốn biết chuyện hậu trường giới này ra sao) hoặc vì đây là phim tư nhân đầu tiên (vì đã ngán ngẩm các phim Nhà nước); đi xem Khi đàn ông có bầu để coi Phương Thanh đạp xích lô bay; xem Nữ tướng cướp để biết “anh hai” Lam Trường đóng phim ra sao…

  • “Sức sống” của bộ phim: Yếu tố quyết định

Tuy nhiên, công nghệ quảng bá, tiếp thị chỉ là bước đệm, chất lượng bộ phim mới là yếu tố quyết định được sức sống của một bộ phim. Phim hay, hiệu ứng tiếp thị sẽ giúp phim thành công vang dội hơn nhưng nếu phim dở sẽ khiến phim càng “chết” nhanh. Ví dụ tiêu biểu cho bài học về “một chiến dịch quảng cáo rầm rộ đã giết chết một sản phẩm tồi” là bộ phim 390 yêu.

Trước ngày công chiếu, 390 yêu thực sự gây cơn sốt với những tuyên bố “Phim Việt đánh bại phim Hàn”, “Một chuyện tình lãng mạn vượt không gian và thời gian”…, và đạt doanh thu khả quan trong những ngày đầu tiên trình chiếu. Thế nhưng, bộ phim ngay tức thì hứng chịu làn sóng phẫn nộ của dư luận đến mức hãng phim cũng e dè trong việc phát sóng các tập phim truyền hình.

QUANG ANH

Tin cùng chuyên mục