Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới

20 năm qua, công chúng quan tâm đến văn học đã chứng kiến sự xuất ngoại của một số tác phẩm văn chương Việt Nam đến các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, Rumani, Hungary… Song số lượng tác phẩm văn học Việt được dịch ra tiếng nước ngoài so với số tác phẩm nước ngoài được dịch ra tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam chỉ như muối bỏ biển. Vì thế, Hội Nhà văn Việt Nam kỳ vọng cùng với sự giao lưu hợp tác quốc tế, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3 và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần 2 được tổ chức từ ngày 1 đến 7-3 tới sẽ góp phần đưa văn học nước nhà tiếp cận rộng hơn với thế giới.
Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới

20 năm qua, công chúng quan tâm đến văn học đã chứng kiến sự xuất ngoại của một số tác phẩm văn chương Việt Nam đến các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, Rumani, Hungary… Song số lượng tác phẩm văn học Việt được dịch ra tiếng nước ngoài so với số tác phẩm nước ngoài được dịch ra tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam chỉ như muối bỏ biển. Vì thế, Hội Nhà văn Việt Nam kỳ vọng cùng với sự giao lưu hợp tác quốc tế, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3 và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần 2 được tổ chức từ ngày 1 đến 7-3 tới sẽ góp phần đưa văn học nước nhà tiếp cận rộng hơn với thế giới.

Nhiều hoạt động quảng bá văn học sẽ được tổ chức đầu Xuân 2015.

Phải có chủ trương lớn

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì hơn 10 năm qua, với chính sách hội nhập, nước ta đã mở rộng văn hóa nói chung và văn học nói riêng, giới thiệu được nhiều tác phẩm văn học ra nước ngoài. Nếu 10 năm trước, văn học Việt Nam mới chỉ được giới thiệu ở một số nước xã hội chủ nghĩa thì đến nay đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, ở Mỹ, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã được giới thiệu; ngoài ra còn có các cá nhân, tập thể nhà thơ, nhà văn, giới thiệu tuyển tập, chuyên đề của mình.

Hay như ở Hàn Quốc bắt đầu có nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ Việt được chuyển ngữ, trong đó có thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tập Nhật ký trong tù và thơ Hồ Xuân Hương... Song vẫn phải thừa nhận rằng trên thực tế việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn hạn chế. So với hàng ngàn tác phẩm nước ngoài được dịch và bày bán ở trong nước thì chẳng còn mấy ai biết hay kể ra được những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Lâu nay, nước ta đang trở thành một thị trường tiêu thụ, nhập siêu văn hóa thế giới với số lượng hàng ngàn cuốn được dịch thuật, chưa kể băng đĩa các loại, những loại hình văn hóa chưa lành mạnh xâm nhập vào đời sống, chi phối lối sống, ứng xử văn hóa của người dân nước ta. Vậy tại sao chúng ta không chủ động khắc phục tình trạng đó và tích cực giới thiệu nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc ra nước ngoài?

Thực tế, việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới từ trước đến nay khó khăn không phải vì chúng ta không có tác phẩm, bởi trước đây đã từng có nhiều tác phẩm của các tác giả Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng. Dịch giả Thúy Toàn chia sẻ: Từ thời các ông Trương Vĩnh Ký, Hoàng Xuân Nhị cũng có ý thức dịch văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài.

Đồng tình quan điểm này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho rằng việc dịch các tác phẩm văn học trong nước ra tiếng nước ngoài để giới thiệu ra quốc tế, các nước trên thế giới đã làm từ rất lâu, còn chúng ta mới chỉ phụ thuộc vào các cá nhân hay một NXB nào đó. Chính vì thế cần phải có chủ trương lớn. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là những người có khả năng dịch của Việt Nam không nhiều và nếu có thì cũng không hứng thú với công việc này.

“Trước đây chúng ta có NXB Thế Giới tham gia vào công việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, nhưng chủ yếu họ chỉ giới thiệu sách chính trị, kinh tế, xã hội, còn mảng văn học rất ít. Vì thế, muốn giới thiệu được văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế một cách bài bản, trước hết phải bắt đầu từ trung tâm dịch thuật. Đây không chỉ là nơi làm công tác tuyển chọn tác phẩm mà còn có nhiệm vụ quan trọng hơn cả là tập hợp, bồi dưỡng các dịch giả. Nếu cứ để trung tâm hoạt động theo phong trào thì sẽ không có hiệu quả, không có tầm nhìn xa.

Cần phải có chuyên gia hàng đầu về dịch thuật ở 6 thứ tiếng và nguồn kinh phí do nhà nước cấp”, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết. Dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới không phải của riêng ai, tổ chức nào mà phải do nhà nước đứng ra làm chứ Hội Nhà văn Việt Nam có quyết tâm đến mấy cũng không thể làm tốt được. Bởi không có ngân sách khó có thể làm nên “chuyện”.

Mở rộng cánh cửa hợp tác

Hai kỳ hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ nhiều nước được tổ chức những năm gần đây cũng mở thêm kênh giao lưu, cơ hội giới thiệu tác phẩm cho các tác giả trong nước. Các tác phẩm như Nhật ký trong tù của Bác Hồ, thơ Hồ Xuân Hương, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, thơ của Nguyễn Quang Thiều, tác phẩm của Tô Hoài, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Phong Điệp… qua hoạt động ngoại giao của hội hoặc các kênh cá nhân đã đến với các NXB và bạn đọc nước ngoài.

Trong năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã ra mắt một trung tâm dịch thuật văn học do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm giám đốc. Trung tâm cũng đặt ra nhiều kỳ vọng kết nối, tập hợp, tổ chức dịch thuật, giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam cho các NXB, dịch giả nước ngoài. Nhưng bản thân trung tâm và tổ chức hội không thể tự cáng đáng những công việc này trong điều kiện kinh tế eo hẹp, xã hội hóa chưa thuận lợi.

Thêm nữa, nền văn học Việt Nam không phải là một nền văn học được các NXB trên thế giới săn tìm. Vì thế, trách nhiệm và nghĩa vụ giới thiệu những tác phẩm văn học xuất sắc của mình ra thế giới, phải cử các nhà văn ra nước ngoài để giao lưu, giới thiệu và quảng bá tác phẩm luôn là một nhu cầu thiết thực. Vì thế, việc tổ chức hội nghị quốc tế quảng bá văn học cùng liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương cũng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực ấy.

Lần này số người tham dự sẽ vượt hẳn với hơn 150 nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ hơn 40 nước, vùng lãnh thổ. Trong đó có những nước lần đầu tiên có dịch giả đến tham dự như Brazil, Nam Phi; đại diện của Cuba sau rất nhiều năm cũng sẽ trở lại Việt Nam; có Tổng thư ký Hội Nhà văn Á Phi, Chủ tịch một liên hoan thơ nổi tiếng ở Colombia và nhiều đại diện từ các nước khác, cùng với đại diện nhiều NXB nước ngoài, là những địa chỉ muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới từ những tác phẩm văn học nổi bật ở Việt Nam hiện nay.

Về phía Việt Nam, lần đầu tiên 10 NXB uy tín cũng được mời tham dự hội nghị này để họ có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đưa các tác phẩm của Việt Nam đến với độc giả thế giới và ngược lại. Theo ban tổ chức tiết lộ, đây cũng là cơ hội kết nối tuyệt vời giữa các NXB và các tác giả vì thế rất có thể sẽ có một số hợp đồng xuất bản ngắn hạn và trung hạn được ký kết.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục