Quảng Bình, Hà Tĩnh: Mưa to trên diện rộng, nhiều xã bị chia cắt

Hà Tĩnh: Hơn 30.000 học sinh phải nghỉ học do mưa lũ
Quảng Bình, Hà Tĩnh: Mưa to trên diện rộng, nhiều xã bị chia cắt

(SGGPO).- Sáng 1-11, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo lũ khẩn cấp trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp. Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh trên, đặc biệt là các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định.

Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng xảy ra tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy (Quảng Bình) với độ sâu ngập khoảng 1-2,5m.

Sáng 1-11, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đang lên nhanh. Dự báo lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Thạch Hãn (Quảng Bình) tiếp tục lên nhanh. Từ trưa nay, mực nước trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa sẽ lên. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2-3.

Hiện nay, mực nước trên sông ở Quảng Bình lên nhanh, mực nước lúc 8h ngày 1-11 trên một số sông như sau: Trên sông Rào Nậy tại Đồng Tâm: 15.84 m dưới báo động III 0,16 m; trên sông Gianh tại Mai Hóa là 7,64 m trên báo động III 1,14 m; trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 2.41m trên báo động II 0,21m; trên sông son tại Quảng Minh là 2,1 m, dưới lũ lịch sử năm 2010 1,8m.

Dự báo trưa nay 1-11, mực nước trên sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng lên mức 8,5 m, trên mức báo động III 2m. Trên sông Kiến Giang  tại Lệ Thủy có khả năng lên mức 2,6 m dưới báo động III 0,1 m. Trên sông Son tại Quảng Minh ở mức 2,9 m, dưới lũ lịch sử năm 2010 1,0m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng.

Mưa to tại Quảng Bình đã khiến hơn 5.000 nhà dân ngập nước, hệ thống giao thông, trạm xá, chợ, trường học, trụ sở làm việc của xã... trên địa bàn tỉnh bị ngập, một số nơi bị chia cắt cục bộ.

Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: Từ chiều tối 30-10 đến sáng 1-11 trên địa bàn huyện có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, nước một số nơi đang lên cao. Các xã như Tân Ninh, Duy Ninh, Võ Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn bị ngập.

Trong 3 ngày qua tại tỉnh Quảng Bình có mưa to trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 150 mm đến 220mm. Mực nước các sông lên xấp xỉ báo động III. Do hậu quả của mưa lớn, nước lũ dâng cao đã gây ngập, chia cắt một số địa bàn như tại các xã Cảnh Hóa, Phù Hóa (huyện Quảng Trạch), các xã Quảng Minh, Quảng Sơn, Quảng Hải (thị xã Ba Đồn)…

Tại xã Quảng Hải, khoảng 7h sáng 1-11, mưa to, nước bắt đầu dâng cao từ đêm 31-10 gây ngập và chia cắt cục bộ. Nhân dân phải di tản gia súc gia cầm lên nơi cao để tránh lũ.

Ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cho biết: Tuyến đê ngăn đã bị ngập từ 0,8m đến 1,5m; 30% số nhà bị ngập. Do nước lên nhanh, xã chưa thể kiểm tra được mức thiệt hại cũng như khối lượng bị sạt lở của tuyến đê này. Nhiều gia đình do nhà bị ngập sâu đã phải di dời lên trạm y tế xã. Học sinh nghỉ học từ ngày 31-10.

Tại xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn nước ngập sâu người dân phải đưa bò chạy lũ. Ảnh: Minh Phong

Tại các xã Cảnh Hóa và Phù Hóa, UBND huyện Quảng Trạch đã điều động cán bộ túc trực cùng các lực lượng để khẩn trương khắc phục hậu quả do lũ gây ra. Địa bàn hai xã bị chia cắt, hơn 40% số nhà bị ngập từ 1m đến 3m. Từ tối 31-10 đến sáng 1-11, người dân phải thức trắng đêm để chạy lụt.

Tại các xã Văn Hóa, Thạch Hóa , huyện Tuyên Hóa, hàng trăm hộ dân dọc bờ sông đã bị ngập. Mưa lớn kéo dài khiến Quốc lộ 12C bị ách tắc. Tại Km 57+900 đoạn qua địa phận xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, hàng ngàn khối đất đá ở taluy dương sụt trượt xuống mặt đường dài hơn 100m. Một số trường học đã chủ động cho học sinh nghỉ học để tránh lũ .

Đường giao thông tại nhiều nơi bị ngập nặng. Tại huyện Minh Hóa, đường đi xuống xã Tân Hóa (đoạn ngầm tràn giữa xã Tân Hóa và Minh Hóa) bị ngập sâu, hiện nay xã Tân Hóa đã bị chia cắt; Cầu tràn đi các thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa bị ngập sâu, hiện nay các thôn Kim Bảng của xã Minh Hóa đã bị chia cắt.

Đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa bàn thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa cũng bị ngập sâu, các phương tiện không thể qua lại được. Tại  huyện Tuyên Hóa, cầu Thanh Thạch đi Thanh Hoá, đường vào UBND xã Thạch Hoá bị ngập. Tuyến đường Cao Quảng đi Châu Hoá bị sạt lở không đi được.

Chợ Cảnh Hóa, Quảng Trạch bị chìm sâu trong nước. Ảnh: Minh Phong

Đến 8 giờ ngày 1-11, mưa to đã làm hơn 5.000 nhà dân bị ngập từ 0,2m- gần 3m; trong đó, tại huyện Quảng Ninh hơn 1.000 nhà, thị xã Ba Đồn có gần 1.200 nhà, Bố Trạch có hơn 150 nhà, Quảng Trạch hơn 1.000 nhà, huyện rốn lũ Tuyên Hóa có gần 2.000 nhà bị ngập (riêng ở Thôn Vĩnh Xuân, Phú Xuân xã Cao Quảng, Thôn Lạc Sơn xã Châu Hóa có 194 hộ bị cô lập).

Tại huyện Tuyên Hóa có 1.888 nhà bị ngập từ 1m-3m.  194 hộ tại các thôn Vĩnh Xuân, Phú Xuân xã Cao Quảng, Thôn Lạc Sơn xã Châu Hoá của huyện Tuyên Hóa bị cô lập.

Một số tuyến đường liên thôn, liên xã tại các địa phương cũng bị ngập. Ngoài ra, hệ thống đê đất ở thôn Tân Thượng xã Quảng Hải, một số tuyến đê kè của xã Quảng Tiên, Quảng Trung (thị xã Ba Đồn); đê Hung Dũ, đê Ồ ồ và đập Khe Chè ở xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) bị sạt và xói lở nghiêm trọng và gây ngập cục bộ. Các công trình dân sinh, chợ, trường học, trạm y tế, trụ sở ủy ban xã, nhà văn hóa tại một số địa phương trong tỉnh cũng bị ngập và hư hỏng nặng.

Xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn chìm trong nước. Ảnh: Minh Phong

Ngay trong sáng 1-11, lãnh đạo và đoàn công tác của huyện Quảng Ninh đã đi kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo triển khai nghiêm túc công điện của tỉnh về phòng, chống và ứng phó với mưa lũ; đồng thời thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, cắt cử cán bộ, lực lượng trực 24/24 giờ nhằm hướng dẫn, giúp dân xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Riêng tại xã Trường Sơn, huyện chỉ đạo xã, huy động lực lượng cán bộ địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp về cắm chốt ở các bản, làng, thôn xóm để hướng dẫn giúp đồng bào và vật nuôi di dời đến nơi an toàn; chuyển toàn bộ tài liệu, vật dụng, trang thiết bị... từ tầng 1 của Trụ sở Ủy ban Nhân dân xã lên tầng cao; đồng thời chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn cho các em...

* Rạng sáng nay 1-11, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, đã xảy ra trận lốc xoáy kèm mưa to khiến gần 100 hộ dân bị tốc mái, nhiều cây to và hoa màu bị gẫy đổ.

Theo Ủy ban nhân dân xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, trận lốc xoáy xảy ra vào khoảng 5 giờ 30 phút ngày 1-11 tại các thôn Thạch Bàn, Văn Xá và Phú Xuân của xã Phú Thủy. Trận lốc đã làm gần 100 hộ dân, nhà văn hóa và 2 kho thóc (xã Mai Thủy) bị tốc mái, nhiều tài sản, thóc lúa, hoa màu, cây to bị đổ gãy.

Ông Phan Thanh Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, xác nhận, khoảng 6 giờ ngày 1-11, một trận lốc xoáy đã làm 42 hộ tại các thôn Lê Xá, Châu Xá, Xuân Lai bị tốc mái; đặc biệt nhà văn hóa và 2 kho thóc của thôn Châu Xá bị tốc mái, khiến khoảng 35 tấn thóc trong kho bị ướt vì mưa lớn, nhiều hư hại về cơ sở vật chất.

Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, sáng sớm 1-11, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy cùng đoàn công tác huyện đã kịp thời đi kiểm tra, nắm tình hình và động viên bà con nhân dân các xã Phú Thủy và Mai Thủy cùng nhau khắc phục hậu quả của lốc xoáy, sớm sửa chữa lại nhà ở để ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương cũng kịp thời chỉ đạo và cử người, huy động các đoàn viên thanh niên, dân quân đến phối hợp lực lượng của huyện tham gia giúp bà con khẩn trương lợp lại và sửa nhà, dọn dẹp cây cối bị gãy đổ tại khu dân cư và các trục đường để sớm ổn định đời sống nhân dân.

Đến khoảng 9h30 ngày 1-11, công tác sửa chữa thiệt hại nhà cửa bị tốc mái cơ bản đã xong.

Trường học dọc sông Gianh ngập sâu trong nước. Hàng vạn học sinh nghỉ học. Ảnh: Minh Phong

* Tại Hà Tĩnh, sáng nay 1-11, nước từ thượng nguồn đổ  về mạnh kết hợp thủy điện Hố Hô xả tràn khiến lũ tại vùng hạ du huyện Hương Khê diễn biến phức tạp. Đặc biệt tại các xã Lộc Yên, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Thủy, Hương Giang... của huyện Hương Khê.

2 xã Phương Điền, Phương Mỹ nằm ở vùng thấp trũng bên sông Ngàn Sâu đã bị ngập sâu từ 1m-1,5m và cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Giao thông vào 2 xã này bị tê liệt, do đó muốn vào được 2 xã này phải di chuyển bằng thuyền máy mất 2 giờ đồng hồ.

 Chợ Hôm tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê bị ngập trong biển nước. Ảnh: Dương Quang

Cũng trong buổi trưa 1-11 tại địa bàn xã Phương Mỹ có tổ chức một đám cưới. Chú rể là người xã Phương Mỹ trong khi cô dâu là người ở xã Hương Thủy. Do nước ngập sâu nên nhà trai phải huy động thuyền máy vượt lũ để đi đón dâu.

Trưa 1-11 các công nhân công ty điện lực đang vác cỗ quan tài đi qua ngầm lũ ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê để sang bên kia ngầm tổ chức đám tang cho cụ bà hơn 70 tuổi ở xóm 11, xã Hà Linh chết vì bệnh. Ảnh: Dương Quang

Tính đến trưa 1-11, tại tỉnh Hà Tĩnh mưa lớn tiếp tục gây ngập lụt trên diện rộng, trên 2.700 nhà dân ở 5 huyện, thị xã bị ngập nước. Điển hình là huyện Hương Khê có 1.116 nhà bị ngập sâu từ 1m-2m, tập trung chủ yếu ở các xã Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Thủy, Hương Đô, Lộc Yên, Phúc Trạch…; tại đây, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ngập sâu từ 0,5m - 1m.

Tại thị xã Kỳ Anh có 547 nhà dân nước ngập từ 0,5m - 1m, tập trung ở các phường Sông Trí, Kỳ Trinh, Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Nam, Kỳ Hoa, Kỳ Thịnh và Kỳ Liên. Tại huyện Cẩm Xuyên cũng có trên 885 nhà bị ngập sâu trong nước, chủ yếu ở các xã Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Minh, Cẩm Thành, Cẩm Lĩnh Đặc biệt, tại xã Cẩm Minh có một nhà dân bị sập đổ, các trục đường giao thông liên xã vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ và Sông Rác đang bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông...

Trước tình hình mưa lũ có diễn biến phức tạp, tối 31-10, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triệu tập cuộc họp đột xuất để chỉ đạo ứng phó với tình hình diễn biến mưa lũ và điều tiết các hồ chứa, hồ thủy điện trên địa bàn. Ngày 1-11, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp xuống các địa phương chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với mưa lũ.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã có các thông báo lũ trên lưu vực sông Ngàn Sâu để các địa phương chủ động các phương án ứng phó với mưa lũ.

>> Một số hình ảnh mưa lũ tại Hà Tĩnh. Ảnh: Dương Quang

Người dân dọn nhà chạy lũ

Quảng Bình, Hà Tĩnh: Mưa to trên diện rộng, nhiều xã bị chia cắt ảnh 13
Quảng Bình, Hà Tĩnh: Mưa to trên diện rộng, nhiều xã bị chia cắt ảnh 14
Quảng Bình, Hà Tĩnh: Mưa to trên diện rộng, nhiều xã bị chia cắt ảnh 15

Nước ngập sâu tại Hương Khê

 Hà Tĩnh: Hơn 30.000 học sinh phải nghỉ học do mưa lũ

Ngày 1-11, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Trường cho biết: 3 ngày nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh do ảnh hưởng của không khí lạnh kèm mưa to đến rất to và dông, mực nước lũ trên các sông lên nhanh và việc xả tràn ở các hồ đập khiến nhiều nơi bị chia cắt. Theo thống kê sơ bộ, sáng 1-11 toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 30.000 học sinh các bậc học tại 84 trường phải nghỉ học.

Cụ thể, huyện Cẩm Xuyên có hơn 4.000 học sinh tại 12 trường thuộc các xã bị ảnh hưởng do xả tràn Kẻ Gỗ. Ở huyện Kỳ Anh, mưa lớn đã làm cô lập một số tuyến đường nên ngày 31-10, toàn huyện có 49/59 trường phải cho học sinh nghỉ học.

Thầy Đinh Sỹ Quân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Anh cho biết: Qua kiểm tra tại một số địa bàn, hôm nay 1-11 mực nước đã rút nên học sinh đi học trở lại. Riêng những xã vùng thượng như Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Tượng, Kỳ Lạc, Kỳ Hợp, do nước chia cắt các tuyến đường liên thôn, liên xã nên khoảng 5.000 học sinh tại 13 trường từ bậc mầm non đến THCS phải nghỉ học.

Tại vùng rốn lũ Hương Khê, mưa lớn cũng đã làm cô lập một số xã. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, lãnh đạo huyện và Phòng Giáo dục - Đào tạo cũng đã quyết định cho 21.000 học sinh ở 59 trường được nghỉ học.

 SONG NGUYÊN – MINH PHONG – DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục