Quảng cáo… vô cảm

Để tiêu thụ hàng hóa trong thời buổi kinh doanh khó khăn hiện nay, nhiều nhà sản xuất đã cắn răng chi mạnh tay cho quảng cáo.

Để tiêu thụ hàng hóa trong thời buổi kinh doanh khó khăn hiện nay, nhiều nhà sản xuất đã cắn răng chi mạnh tay cho quảng cáo.

Tuy nhiên, để quảng cáo thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng với khán giả xem đài, nhà sản xuất luôn tìm đủ mọi chiêu thức để đề cao sản phẩm, đôi khi tâng bốc, tô hồng thái quá, không đúng thực chất và đi ngược những chuẩn mực đạo đức khiến người xem cảm thấy phản cảm. Gần đây, nội dung loạt quảng cáo sản phẩm sữa đậu nành Fami của Vinasoy không phù hợp với phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa Việt đang làm nhiều khán giả truyền hình bất bình.

Nhãn hàng này được quảng cáo bằng 3 nội dung, hình thức khác nhau, nhưng kiểu quảng cáo nào cũng có vấn đề: một gia đình từ nhỏ đến già cứ mải mê sử dụng sản phẩm sữa chẳng thèm đếm xỉa đến lời chào của khách – một cách ứng xử thiếu lịch sự; lại có cả một gia đình vô tư uống sữa mặc người tài xế hối thúc đã trễ giờ đi rước dâu - một nghịch lý với văn hóa người Việt, luôn xem trọng chuyện cưới hỏi, giờ giấc đưa dâu - rước dâu... Phản cảm nhất là mẫu quảng cáo thứ ba: một gia đình thản nhiên ngồi uống sữa trước cửa phòng sinh chờ đón thông tin của sản phụ, mặc kệ anh thanh niên hai lần chạy ra báo tin: “đẻ rồi, sinh rồi”. Trước thái độ vô cảm đến vô lý ấy của những người nhà, anh thanh niên đành tiu nghỉu quay vào. Mãi đến khi uống xong các hộp sữa cả gia đình vô cùng kỳ quặc kia mới thể hiện sự mừng rỡ.

Như vậy qua nội dung quảng cáo này, ta thấy có 3 cái mặc kệ: kệ chào hỏi, kệ cưới hỏi, kệ sinh đẻ. Sữa ta, ta cứ uống cái đã. Thật là vô cảm và thiếu văn hóa hết mức.

Không biết nhà sản xuất muốn gửi thông điệp gì? Cổ súy lối sống vô cảm, thờ ơ, không quan tâm đến người thân trong gia đình, hay muốn khẳng định rằng sản phẩm sữa ấy cần thiết hơn nét đẹp văn hóa dân tộc?

Đành rằng mục đích chính của quảng cáo là chuyển tải thông tin sản phẩm. Nhưng một khi quảng cáo khước từ yếu tố văn hóa, làm xói mòn nếp sống văn minh, lịch sự, thương yêu, chỉ chăm chăm tìm cách gây sốc, kết quả ắt sẽ phản tác dụng.

Cả về hình thức và nội dung quảng cáo bộc lộ nhiều nghịch lý, xa lạ với văn hóa, đời sống xã hội hiện nay, ít nhiều gây ảnh hưởng xấu đến hành vi ứng xử và quan niệm văn hóa gia đình. Vấn đề đặt ra chính là trách nhiệm của khâu kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi phát sóng. 

PHƯƠNG VŨ

Tin cùng chuyên mục