Quảng Nam: 39 hộ dân chấp chới ở “họng lũ” đường cao tốc

Trong quá trình thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, người dân thôn Kỳ Lam (xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã nhiều lần cảnh báo sẽ gây hại cho khu dân cư, song đơn vị thi công cũng như Ban quản lý dự án này bỏ ngoài tai.
Vùng nước xoáy gây xói lở nhiều công trình, nhà dân tại thôn Kỳ Lam (xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)
Vùng nước xoáy gây xói lở nhiều công trình, nhà dân tại thôn Kỳ Lam (xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)
 Hậu quả là trong cơn lũ giữa đầu tháng 11 vừa qua, mố cầu bị xói lở, hàng chục hộ dân nơi đây chấp chới giữa họng lũ do đường cao tốc gây ra.

Đường cao tốc tạo vùng nước xoáy

Ngày 23-11, chúng tôi tìm về thôn Kỳ Lam (xã Điện Quang) - một trong 3 xã vùng Gò Nổi (gồm Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang), nằm trên một doi đất rộng giữa 2 nhánh sông Thu Bồn, với 39 hộ dân. Nơi đây thi thoảng đón một trận lụt lớn, nhưng trận lụt năm nay khiến người dân lo lắng hơn cả; do đường cao tốc vừa hoàn thành như một con đê lớn chắn ngang dòng chảy sông Thu Bồn với việc khu vực khôn, Kỳ Lam nằm lọt thỏm giữa phía Đông là đường sắt và phía Bắc là nhánh sông Thu Bồn tạo ra vùng xoáy dữ dội. 

Ông Trần Ba (65 tuổi), bức xúc: “Ngày xưa chúng tôi đề nghị phải làm cầu vượt mới an toàn cho dân mà họ không chịu nên mới xảy ra chuyện như hiện nay. Chỉ 1 cơn lụt nhỏ mà như thế này, nếu mỗi năm một vài cơn lụt lớn thì cả làng này sẽ bị xóa sổ. Vì vậy, phải làm đê chắn dòng nước xoáy thì dân mới sống nổi. 

Ông Trần Đính, Phó Bí thư Chi bộ thôn Kỳ Lam và cũng là một trong 39 hộ dân nơi đây, cho biết, cơn lũ vừa qua cả thôn bị cô lập hoàn toàn do nước chảy xiết, không thể bơi thuyền được. Khi lũ lên quá nhanh, cả xóm không có gì để ăn. Ông phải điện thoại cho con trai mua mì tôm chở về theo đường cao tốc, sau đó làm nhành cây chuyển vào. Khi bơi ghe ra lấy mì tôm cho cả xóm thì nước xiết đã cuốn úp chiếc ghe. Rất may ông Đính mặc áo phao nên trôi xa và kịp bám vào trụ điện. “Chưa bao giờ nơi đây có vùng nước xoáy. Dân chúng tôi muốn các cơ quan chức năng có giải pháp giúp dân thoát cảnh này...”, ông Trần Đính cho biết.  

Chủ đầu tư lơ trách nhiệm?

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện UBND xã Điện Quang cho biết, nhiều ngày qua, người dân thôn Kỳ Lam đã phản ứng quyết liệt, không cho các đơn vị thi công chở vật liệu đến sửa chữa điểm sạt lở ở mố cầu Kỳ Lam. Người dân cho rằng các cơ quan chức năng phải đến tận nơi để thấy, hiểu và có giải pháp giúp dân thoát cảnh “sống trong vùng nước xoáy”. 

Theo hồ sơ lưu tại UBND xã Điện Quang, tháng 7-2017, chủ đầu tư đã lên phương án, kế hoạch di dời 4 hộ dân trong tổng số 39 hộ dân tại thôn Kỳ Lam, bởi 4 hộ này nằm ngay sát mố cầu Kỳ Lam, có nguy cơ bị sạt lở đe dọa, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản. Danh sách nói trên cũng đã được Bộ GTVT duyệt thông qua. Thế nhưng, người dân chờ mãi cũng không thấy chủ đầu tư đả động gì đến việc di dời, bố trí tái định cư. 

Ông Trần Đính cũng cho biết, khi mới làm đường cao tốc, người dân đã đề nghị chỉnh sửa thiết kế để thôn Kỳ Lam không trở thành “điểm chết”, gây sạt lở cho đường cao tốc, nhưng chủ đầu tư và chính quyền lấy lý do dự án đã phê duyệt, nên không thể sửa. 

Theo đại diện UBND xã Điện Quang, ngoài 4 hộ bị ảnh hưởng nặng nằm trong diện di dời, 35 hộ dân còn lại ở thôn Kỳ Lam cũng có nguyện vọng được di dời hoặc phải đầu tư làm kè bảo vệ, đầu tư trang thiết bị cứu sinh để phòng tránh lũ. 

Ông Lê Thành, Chủ tịch UBND xã Điện Quang, cho biết, chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngày 22-11 đã có công văn gửi UBND xã đề nghị can thiệp, hỗ trợ chủ đầu tư động viên người dân ở thôn Kỳ Lam cho đơn vị thi công được sửa chữa mố cầu bị sạt lở, nhằm bảo đảm an toàn cho đường cao tốc. UBND xã đã nhiều lần động viên người dân bình tĩnh, tạo điều kiện cho chủ đầu tư thi công sửa chữa mố cầu bị sạt lở, nhưng người dân không chịu.

Về phương án để sớm ổn định cuộc sống của 39 hộ dân của thôn Kỳ Lam sống trong vùng nước xoáy, ông Lê Thành cho biết là ngoài khả năng của xã. “Xã đã có văn bản đề nghị lên cấp trên gửi Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và gửi đề nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. 
Người dân Phú Yên hối hả chạy lụt
Chiều 23-11,  trên địa bàn huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) có mưa to, nước sông Kỳ Lộ dâng cao, làm ngập mố cầu La Hai trên 1m. Nước lũ đã cắt đứt tuyến đường từ ĐT 641, đoạn từ chân cầu sắt La Hai đi xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân).

Tại thị trấn La Hai (huyện Đồng  Xuân), nước sông Kỳ Lộ dâng cao làm ngập cầu sông Cô trên 1m, chia cắt tuyến đường từ thị trấn La Hai đi xã Xuân Sơn Bắc. Cầu Cây Sung nằm trên tuyến đường ĐT 642, đoạn qua xã Xuân Sơn Bắc nước ngập trên 2m. Do vậy, nước lũ đã cắt đứt tuyến đường từ xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) đi xuống xã Xuân Thọ 2 (thị xã Sông Cầu).Tại xã Xuân Quang 3, nước sông Trà Bương dâng cao làm cho tuyến đường từ tràn Phước Lộc (xã Xuân Quang 3) đi lên xã Xuân Quang 1 ngập sâu trong nước. UBND xã Xuân Quang 3 cử lực lượng dân quân của xã cắm biển báo không cho người dân qua lại. 

Hiện nay, nước sông Kỳ Lộ tiếp tục dâng cao, vì vậy người đi đường nên cẩn trọng, nhất là đi trên tuyến ĐT 642 từ thị trấn La Hai đi xã Xuân Lãnh và ĐT647, từ xã Xuân Phước đi lên Xuân Quang 1, Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), có rất nhiều suối, tràn thoát lũ qua đường nước chảy xiết.

Ngày 23-11, lũ trên các sông tại Thừa Thiên - Huế rút xuống dưới báo động 2 nhưng học sinh ở một số vùng trũng thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền... vẫn chưa thể đến trường vì trường lớp ngập lụt hoặc ứ đọng bùn non và rác thải khi nước lũ rút. Dự kiến, ngày thứ bảy hoặc chủ nhật (25, 26-11) các trường sẽ tổ chức cho học sinh học bù những ngày nghỉ tránh lũ.
MẠNH HOÀI NAM - VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục