Quảng Nam không phải là bãi thải công nghệ

Quảng Nam không phải là bãi thải công nghệ

>> Quảng Nam: Nhà máy thép dời lên thượng nguồn, hạ du lo lắng
>> Quảng Nam họp báo vụ di dời Nhà máy thép Việt Pháp lên núi
>> Quảng Nam đề nghị Đà Nẵng chấn chỉnh đơn vị, cá nhân thông tin không chính xác về Nhà máy thép Việt - Pháp

Nhiều ngày qua, trước thông tin Quảng Nam đồng ý cho nhà máy thép Việt Pháp di dời từ Thị xã Điện Bàn lên huyện Nam Giang, thượng nguồn sông Vu Gia khiến 1,7 triệu dân vùng hạ du hệ thống sông này hết sức hoang mang.

Mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam nhiều lần khẳng định dự án này không gây ô nhiễm nguồn nước của sông Vu Gia nhưng người dân không tin đó là sự thật vì "làm sao có nhà máy thép nào mà không gây ô nhiễm". Thậm chí, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam thể hiện "quan ngại" về việc này. 

Để có thông tin đa chiều, PV SGGP đã có cuộc phỏng vấn với ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về vấn đề này.  

Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nguyên Khôi

- PV: Thưa ông, vì lý do gì mà lại dời nhà máy thép từ Thị xã Điện Bàn về phía thượng nguồn Vu Gia?

- Ông Huỳnh Khánh Toàn: Dự án nhà máy thép Việt Pháp do UBND huyện Điện Bàn (cũ) kêu gọi đầu tư vào Cụm Công nghiệp (CCN) Thương Tín 1 từ năm 2010, năm 2011 cơ bản hoàn thành và năm 2012 đưa vào hoạt động thử. Khi đưa vào hoạt động thử, nhà máy gây tiếng ồn, phát sinh ra bụi và mùi khó chịu nên dân cư tại khu vực phản đối. Các cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu quan trắc và kiểm tra 6 lần trong 3 năm 2013, 2014 và 2015 thì kết quả tất cả các mẫu đều nằm trong giới hạn cho phép.

Từ năm 2012, Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam có Nghị quyết chuyên đề thống nhất chủ trương là di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gần khu dân cư phát sinh khiếu kiện đông người, ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội của người dân,... đến những khu vực theo định hướng quy hoạch công nghiệp chung của tỉnh Quảng Nam là về phía Tây tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Khu vực này ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng kiểm soát chặt chẽ môi trường về công nghệ cũng như phát sinh trong quá trình sản xuất theo hướng là không đánh đổi đầu tư mà đánh mất môi trường. Vì vậy, chủ trương di dời nhà máy thép Việt Pháp đã có từ rất lâu.

Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, tại CCN Đại Lộc thì gần dân cư và từ ý kiến của người dân nên huyện Đại Lộc đề nghị chậm lại. Trong khi đó, Thị xã Điện Bàn cam kết là đến năm 2017, doanh nghiệp phải di dời. Chính vì sức ép về thời gian cũng như giải quyết vấn đề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên họ tiến hành các bước di dời lên thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang).

Việc một nhà máy gần dân cư là không còn phù hợp, người dân ở đây không chấp nhận nên tỉnh thống nhất là dời nhà máy thép Việt Pháp đi nơi khác để phù hợp với quy hoạch đô thị. Và, toàn bộ kinh phí di dời doanh nghiệp phải tự chịu. 

Còn trước đây doanh nghiệp đề nghị Thị xã Điện Bàn hỗ trợ hơn 123,85 tỷ đồng để di dời thì theo quy định của Chính phủ cũng như của tỉnh, đây là doanh nghiệp không nằm trong danh mục được hỗ trợ. 

Về nước thải, trong quá trình theo dõi và thực tế kiểm tra thì nước doanh nghiệp này sử dụng để sinh hoạt cho công nhân là chủ yếu, còn nước sản xuất thì được sử dụng làm mát các tháp lò nung thực hiện theo nguyên tắc hoàn lưu chứ không thải ra môi trường. 

Quảng Nam với chính sách thu hút đầu tư là tỉnh nghèo mới được chia tách gần 20 năm nên cơ chế chính sách vận hành trong quá trình thu hút đầu tư tất nhiên phải có tồn tại. Quá trình phát triển nóng thì hệ luỵ môi trường là có, chúng tôi phải tập trung giải quyết để đảm bảo cho phát triển kinh tế theo hướng bền vững và đảm bảo môi trường và an sinh xã hội.

Bên trong nhà máy thép Việt Pháp. Ảnh: Nguyên Khôi

- Vị trí đặt nhà máy thép có liên quan gì đến hai mỏ quặng sắt tại Nam Giang hay không? Người dân rất lo lắng là trong tương lai nhà máy này sản xuất thép từ chế biến quặng dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Cho đến giờ, lãnh đạo tỉnh và Sở TN-MT khẳng định chưa có một thông tin nào về doanh nghiệp thép Việt Pháp được huyện, sở ngành cũng như tỉnh chấp nhận cho khai thác và chuyển giao mỏ quặng sắt tại huyện Nam Giang. Tôi khảng định, đến giờ phút này là hoàn toàn không có. Tôi cũng nghe có người hỏi tôi về vấn đề này và tôi cho kiểm tra, gọi điện cho chị Hạnh (bà Võ Thị Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH thép Việt Pháp - PV), thì chị khẳng định là chưa có nhu cầu và cũng khẳng định mục đích chiến lược kinh doanh là không có sở hữu mỏ quặng sắt và không có công nghệ nào khác ngoài việc sản xuất thép từ sắt thép phế liệu. 

- Theo các văn bản do ông ký và gửi đi các nơi cho rằng nhà máy thép này chỉ thải nước sinh hoạt với khối lượng gần 20m³/ngày đêm, còn nước thải sản xuất là tuần hoàn tái sử dụng, không có đổ ra môi trường. Vậy một nhà máy với công suất 180.000 tấn/năm mà chỉ thải ra môi trường chỉ gần 20m³/ngày đêm nước thải thì có đáng tin không? 

- Thông tin mà tỉnh Quảng Nam gửi cho Bộ TT-TT, các cơ quan báo chí và UBND TP Đà Nẵng thì việc cung cấp thông tin để định hướng dư luận, cho bạn đọc và nhân dân vùng hạ lưu sông Vu Gia an tâm về việc này. Và thực tế, chúng tôi đã kiểm tra quá trình sản xuất của nhà máy thép Việt Pháp tại CCN Thương tín 1 thì nước thải chủ yếu là nước thải sinh hoạt của người lao động. Còn nước sản xuất thì tuần hoàn và tái sử dụng. Đối với nhà máy tại thôn Hoa (huyện Nam Giang) thì tôi đã yêu cầu Hội đồng đánh giá tác động môi trường công bố vào chiều ngày 13-10. 

Theo tôi nghĩ, vấn đề này tỉnh Quảng Nam rất quan tâm vì đây là vấn đề trọng yếu trong quá trình phát triển, phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường theo hướng phát triển bền vững. Đây là vấn đề sống còn của nền kinh tế tỉnh Quảng Nam.

- Có một thực tế rằng, trong tất cả các đánh giá tác động môi trường của các dự án đều có những con số rất đẹp nhưng trên thực tế khi vào hoạt động là gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc giám sát môi trường của dự án này ra sao khi dự án được xây dựng trên núi và rất khó giám sát?

- Đối với các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, chúng tôi có những giải pháp cụ thể. Trước hết là tăng cường giám sát của cộng đồng dân cư, vai trò của MTTQ cũng như Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng địa phương. Hơn ai hết, người dân địa phương ở khu vực lân cận, báo chí,...phản ánh kịp thời cùng với các cơ quan chức năng giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát môi trường. Vấn đề quan trọng nữa là MTTQ các cấp phải vào cuộc vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến người dân nên khẩu độ nhà máy phải xa dân cư.

Sắp đến, tỉnh sẽ điều chỉnh, bổ sung đưa  CCN này vào mạng lưới quy hoạch chung của tỉnh vì hiện nay tại đây có Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ đang hoạt động và sắp tới là Nhà máy cán luyện thép Việt Pháp. 

- Công nghiệp nặng thường đi đôi với ô nhiễm, thực tế đã chứng minh rồi. Vậy, thời gian tới, Quảng Nam có từ chối các dự án công nghiệp nặng hay không?

- Quảng Nam xác định trong định hướng 2016-2020 thì trụ cột chính vẫn là phát triển công nghiệp - thương mại dịch vụ và du lịch, trong đó tỉ trọng nông nghiệp giảm dần. Cho nên, trong ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp nặng chúng tôi vẫn thu hút nhưng đặc biệt quan tâm kiểm soát vấn đề công nghệ có lạc hậu hay hiện đại? Hiện đại như thế nào? Cái này Sở KHCN phải vào cuộc. Thậm chí, có những công nghệ chúng tôi phải trưng cầu Bộ KHCN và các cơ quan chuyên môn theo hướng kiểm soát chặt chẽ công nghệ. 

Quảng Nam không phải là bãi thải công nghệ của các thành phố lớn cũng như từ các nước phát triển. Chúng tôi cũng xác định, công nghiệp là phải có khói nhưng vấn đề là kiểm soát khói như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân cũng như môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái. 

- Xin cảm ơn ông!

Nguyên Khôi thực hiện

Tin cùng chuyên mục