(SGGPO).- Trong những ngày qua mưa lớn trên diện rộng trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi khiến nhiều địa phương bị chia cắt...
Tại Quảng Nam: Sáng ngày 3-12, mưa lớn kết hợp với thủy điện xả lũ đã gây hậu quả nghiêm trọng đến nông nghiệp, thủy sản, nhiều địa phương bị chia cắt...
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam, hiện mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang lên nhanh. Tính đến 9h ngày 3-12 mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 5,50m, dưới mức báo động I là 1m; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy 6,11m, dưới mức báo động I là 0,09m; tại Câu Lâu là 1,81m, dưới mức báo động I là 0,19m; tại Hội An là 0,72m, dưới mức báo động I là 0,28m; trên sông Tam Kỳ là 2,46m, dưới mức báo động III là 0,24m.
Dự báo đến chiều và đêm ngày 3-12, mực nước trên các sông tiếp tục lên: Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 8,50m, ở mức dưới báo động III là 0,50m; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên mức 8,30m, dưới báo động III là 0,30m; tại Câu Lâu lên mức 3,50m dưới báo động III là 0,50m; tại Hội An lên mức 1,70m, dưới mức báo động III là 0,30; trên sông Tam Kỳ lên mức 2,70m ở mức báo động III...
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cũng đã khuyến cáo chính quyền địa phương cũng như nhân dân, nhất là người dân ở khu vực có nguy cơ cao cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở miền núi, ngập lụt sâu ở vùng hạ lưu.
Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ các các tuyến đường và đường nông thôn. Ảnh chụp tại thôn Vạn Long, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam sáng 3-12. Ảnh: Hoài Thu
Tại huyện miền núi Nông Sơn, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió đông trên cao, trên địa bàn huyện Nông Sơn đã liên tục xảy ra các đợt mưa lớn. Tổng lượng mưa đo được đến 6h30 sáng 3-12, tại Trạm thủy văn Nông Sơn là 133,3 mm. Thêm vào đó, xả lũ của thủy điện Sông Tranh 2 vào lúc 20h ngày 2-12 với lưu lượng xả là 2.000 m³/s khiến mực nước tại đây lên khá nhanh.
Theo thông tin của Trạm thủy văn Nông Sơn, mực nước sông Thu Bồn hiện tại là 12,52m và tiếp tục lên nhanh, dự báo lên trên mức báo động 2, khả năng lên báo động 3, đã gây hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều địa phương bị chia cắt.
Một số tuyến đường từ huyện Nông Sơn đi các xã bị chia cắt, đoạn Cầu Khe Rinh, Cầu Khe Phốc, cầu Khe Sé, cầu Nà Manh, đoạn từ cầu Cao đến cầu Dài bị ngập. Hiện nay nước đang lên chậm, tại các tuyến đường ngập từ 0,3m – 0,5m nước. Một số thôn của các xã bị cô lập.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nông Sơn đã chỉ đạo cho UBND các xã, các thành viên BCH PCTT&TKCN huyện, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức trực 24/24h, cử lực lượng chốt chặn các tuyến đường còn bị ngập sâu, các khu vực nguy hiểm không cho người và phương tiện qua lại. Chỉ đạo UBND các xã thông tin nhanh về tình hình mưa, bão đến mọi người dân được biết, chủ động phòng tránh.
Đồng thời, huy động tất cả lực lượng, phương tiện và mọi biện pháp để chủ động phòng tránh. Tổ chức lực lượng cảnh giới và ngăn chặn mọi người dân đi lại những nơi bị ngập sâu, nước chảy xiết; nghiêm cấm các ghe thuyền đi lại tại các bến đò, hồ chứa vớt củi và đánh bắt cá trên sông, suối, các điểm ngập lụt. Kiểm tra rà soát các khu dân cư đang sinh sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông, suối và vùng có nguy cơ lũ quét, các khu vực có khả năng sạt lở đất; đặc biệt là những hộ dân có nhà tạm bợ, bán kiên cố không đảm bảo an toàn.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nông Sơn cũng đã chỉ đạo Văn phòng BCH PCTT &TKCN huyện cử tổ đi kiểm tra tình hình an toàn các hồ chứa. Đến nay các hồ chứa cơ bản an toàn.
Trong khi đó, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, hồ Phú Ninh xả lũ từ lúc 7h sáng ngày 1-12, với lưu lượng xả 180-600m³/s. Tuy nhiên, do lượng mưa khá lớn khiến mực nước dâng cao, các vùng hạ lưu tại thành phố Tam Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo báo cáo sơ bộ từ BCH PCTT & TKCN thành phố Tam Kỳ, toàn thành phố có khoảng 2ha lúa bị ngập và ngã đổ, hơn 15ha rau các loại bị ngập và giập, các loại dưa gang, dưa leo bị mưa dập hơn 35ha, hư hỏng toàn bộ, riêng các giống cây hoa bị dập khoảng 3ha.
Mưa lớn gây ngập cục bộ tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Trang
Tại khu vực sông Tam Kỳ, nơi người dân nuôi tôm lồng bè, đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Có khoảng 7,5ha tôm bị ảnh hưởng, 0,5ha diện tích nuôi cá bị thất thoát gần 100%.
Về cơ sở hạ tầng, cầu Vũng Giang (TP.Tam Kỳ) bị sạt lở , 1 sà lan đơn vị thi công bị trôi, hơn 30m kênh mương đất sạt lở, hơn 40m đường bê tông bị sạt lở lấp. Tại các thôn Tân Phú, thôn Phú Đông (xã Tam Phú) bị ngập gần 3km, độ sâu 0,8m; đường giao thông nông thôn khối phố Trường Đồng và Đoan Trai (Phường Tân Thạnh) ngập sâu 0,5m; đường ĐH 615 đoạn Mỹ Cang đi Kỳ Lý (xã Tam Thăng) ngập sâu 1m. Đến sáng ngày 3-12, toàn thành phố Tam Kỳ đã có hơn 159 nhà dân bị ngập.
BCH PCTT & TKCN thành phố Tam Kỳ tiếp tục rà soát các khu vực bị ngập lụt, trong đó, thôn Tân Phú và Phú Đông (xã Tam Phú) và Mỹ Thạch Đông, Mỹ Thạch Trung, có khả năng tiếp tục ngập.
Mưa lớn gây ngập nặng khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Trang
Ngoài ra, tại các địa phương huyện Núi Thành, mưa lớn nhiều ngày đã gây ngập cục bộ tại nhiều tuyến đường và một số nhà dân trên địa bàn huyện Núi Thành, các dãy nhà nằm sát sông Trường Giang bị ngập sâu, diện tích hoa màu thiệt hại nặng nhất là thời điểm này người dân chuẩn bị sạ vụ Đông-Xuân.
Nhiều diện tích hoa màu bị ngập nặng. Ảnh: Nguyễn Trang
Tại xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) mưa lớn kéo dài, khiến 2 nhà bị sập tường. Theo đó, căn nhà bị sập tường nằm sát khu vực sạt lở núi, đất đá đổ xuống bất ngờ đã khiến tường nhà của ông Đoàn Văn Bá và Đoàn Văn Cam (cùng trú thôn Phước Lợi, xã Tam Lãnh) ở cạnh nhau sập đổ. Thiệt hại ban đầu ước tình 40 triệu đồng/hộ.
Trước đó, vào khoảng 6h30 ngày 3-12, chị Trần Thị Vũ (36 tuổi, trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) điều khiển xe máy 92B1-263.09 chở con là cháu Hoàng (4 tuổi), lưu thông theo hướng Phú Ninh - Tam Kỳ. Khi đến cầu Tây Yên, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, do nước lũ chảy mạnh đã cuốn trôi 2 mẹ con cùng chiếc xe máy. Mẹ con chị Vũ bị cuốn trôi khoảng 100m thì chị bám được một cành cây, sau đó người dân phát hiện đã dùng gậy dài đưa ra cứu vào bờ và khẩn trương đưa 2 mẹ con chị Vũ đến bệnh viện. Nhưng cháu Hoàng đã tử vong.
Hiện lực lượng chức năng huyện Phú Ninh đang tổ chức chốt chặt ngăn không cho người dân lưu thông qua đoạn đường ngập nước này.
* Tại Quảng Ngãi: Trưa ngày 3-12, Báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vùng bị nước lũ chia cắt gây cô lập hàng trăm hộ dân, tập trung ở các vùng thuộc huyện Mộ Đức, Đức Phổ do các hồ chứa nước xả lũ.
Chiều tối 2-12 nhiều nhà dân bị ngập do các hồ chứa nước xả lũ. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành
Theo báo cáo từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Ngãi, tối 2-12, tại huyện Đức Phổ có khoảng 200 nhà dân đang ngập trong lũ, nhiều xóm làng bị nước bao vây, các lối đi chìm trong nước, người dân phải sử dụng ghe làm phương tiện đi lại. Hiện tại, trên địa bàn Quảng Ngãi đã hết mưa, lũ trên các sông ở Trà Bồng, Trà Câu đang xuống chậm. Tuy nhiên, nước ở các sông Trà Khúc, sông Vệ đang lên cao.
Lực lượng dân quân sẵng sàn để giúp đỡ người dân ngay khi lũ lên cao. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành
Tính đến trưa 3-12, mưa lũ đã làm 4 người trên địa bàn thương vong, trong đó 2 em học sinh ở huyện Đức Phổ tử vong do rơi xuống nước đã được tìm thấy. Đó là 2 em Võ Trung Tiến (sinh năm 2004, ở thôn Bàn Thạch, học sinh lớp 6A4, Trường THCS Phổ Cường) và và em Hồ Tấn Đạt (sinh năm 2005, ở thôn Nga Mân, học cùng lớp với em Tiến). 2 trường hợp mất tích ở huyện Ba Tơ là anh Nguyễn Đức Trọng và anh Phạm Văn Phiên đến nay vẫn chưa tìm thấy. 4 căn nhà ở huyện Mộ Đức bị hư hỏng, 8 con gia súc ở hai huyện Minh Long, Ba Tơ bị chết. Hệ thống kè chắn sóng, đê ngăn mặn ở huyện Đức Phổ bị hư hại nhiều. Các tuyến giao thông vùng núi bị sạt lở nghiêm trọng.
Chiều 2-12, ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có mặt tại điểm lũ, đích thân đi kiểm tra các hồ chứa nước, đồng thời thị sát vùng ngập lũ, chỉ đạo các phương án để đảm bảo án toàn tính mạng cho người dân.
Các tuyến giao thông đi miền núi bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành
Tại khu vực hồ chứa nước Núi Ngang, đến chiều tối 2-12, vẫn còn xả lũ với lưu lượng lớn. Ông Nguyễn Nhung, Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết: “Đến thời điểm 13h ngày 2-12 thì hồ đã xả trên 11 triệu m³. Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương khi xả lũ nên đến thời điểm hiện tại chưa có gì thiệt hại nặng. Chúng tôi cũng đã tính toán để không xảy ra tình trạng xả lũ ồ ạt gây ảnh hưởng lớn đến vụng hạ du”.
Ông Minh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu đơn vị quản lý hồ phải theo dõi sát tình hình nước vào hồ, báo cáo phương án xả lũ sớm cho lãnh đạo tỉnh kịp thời có phương án chỉ đạo. Yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là mà hết sức chủ động trong công tác phòng chống bão lụt đặc biệt là các huyện hiện nay có nước sông dâng cao.
Hiện tại chỉ có ba hồ chứa nước là hồ Núi Ngang, Liệt Sơn và Diên Trường trong tổng số hơn 131 hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang xả lũ, những hồ còn lại vẫn đang tiếp tục tích nước.
Nước trên sông Trà Khúc đang lên lại. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành
| |
SONG NGUYÊN- NGUYỄN TRANG - NGUYỄN ĐẮC THÀNH