Những ngày qua, nhiều tài xế qua trạm thu phí trên QL1A của Công ty cổ phần Xây dựng công trình 545 đặt trên QL1A đoạn qua xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) than... trời vì trạm thu phí này tăng 233% giá vé qua trạm so với mức thu phí cũ.
Kể từ 0 giờ ngày 1-1-2016, trạm thu phí của Công ty cổ phần Xây dựng công trình 545 (gọi tắt là Công ty 545) chính thức điều chỉnh mức thu phí. Theo đó, từ ngày 1-1-2016, mức thu phí ô tô dưới 12 chỗ ngồi là 35.000 đồng/lượt (mức cũ là 15.000 đồng), xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 400 feet là 200.000 đồng/lượt (mức cũ là 120.000 đồng).
Khi bắt đầu thực hiện thu phí theo giá mới, nhiều tài xế khi qua trạm thu phí của Công ty 545 phản ứng khiến giao thông tại khu vực này bị ách tắc.
Anh Hoàng Dũng (trú tổ 28A, Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho rằng mức thu phí như thế là quá cao và không thể chấp nhận được. “Nhà tôi ở Cẩm Lệ, tôi muốn vào thị xã Điện Bàn có mấy chục cây số mà phải trả 70.000 đồng cho hai lượt đi về. Trong khi trước đây chỉ 30.000 đồng. Thật là vô lý” - anh Dũng bức xúc.
Anh Trần Khánh Vân (người dân TP Đà Nẵng) nói: “Việc Công ty 545 là nhà đầu tư dự án BOT xóa hai trạm Hải Vân và Hòa Phước để thu tại một trạm tại Điện Thắng Bắc là không hợp lý, không minh bạch. Bởi lẽ, việc thu phí này chỉ hợp lý đối với xe chạy đường dài, còn đối với ô tô tuyến ngắn của người dân Quảng Nam và Đà Nẵng là không hợp lý vì có đoạn xe không chạy nhưng vẫn phải trả tiền. Vả lại, trước đây dự án BOT Hòa Phước - Hòa Cầm và Tứ Câu - Vĩnh Điện, nhà đầu tư là Công ty 545 đã thu tiền nhiều năm rồi, trong khi nay chuyển sang trạm mới họ thu hơn 20 năm nữa. Như vậy là không minh bạch và không công bằng”.
Lý giải cho việc tăng phí này, ông Nguyễn Văn Có, Phó Giám đốc Công ty 545, cho biết: “Chúng tôi thu theo quy định của Bộ Tài chính, theo Thông tư 176. Trước đây, chúng tôi có hai trạm thu phí Hòa Phước và Hải Vân, nếu một xe đi từ Bắc tới Nam thì mua phí ở trạm Hải Vân và trạm Hòa Phước với 15.000 đồng/lượt/trạm, tổng cộng là 30.000 đồng. Trong 30.000 đồng là của 2 dự án BOT Hòa Cầm - Hòa Phước (Đà Nẵng) và Tứ Câu - Vĩnh Điện (Quảng Nam). Bây giờ chúng tôi đầu tư tiếp dự án từ trong Vĩnh Điện đến Tam Kỳ thì xóa sổ 2 trạm Hải Vân, Hòa Phước để thu một trạm mới ở Điện Thắng Bắc có 35.000 đồng/lượt. Như vậy, chỉ tăng có 5.000 đồng/lượt thôi. Thứ hai, một xe container lớn nhất đi trên QL1A thì đến trạm Hoà Phước mua vé 120.000 đồng/lượt, đến trạm Hải Vân mua tiếp 120.000 đồng/lượt nữa. Như vậy là 240.000 đồng. Bây giờ trạm mới bán vé 200.000 đồng/lượt ra tới Huế luôn. Việc đầu tư dự án thứ 3 (tức dự án trong Vĩnh Điện đến Tam Kỳ - PV), Bộ Tài chính cân đối mức đầu tư của nhà đầu tư và cùng Bộ GTVT ấn định mức thu phí để nhà đầu tư hoàn vốn chứ không phải công ty chúng tôi ưng thu như thế nào thì thu”.
Ông Nguyễn Văn Có giải thích thêm: Trước đây hai dự án BOT Hòa Phước - Hòa Cầm và Tứ Câu - Vĩnh Điện hạn mức thu trong 14 năm nhưng đến nay đã thu được 6 năm, nay chuyển sang thu tại trạm Điện Thắng Bắc 23 năm theo cân đối của Bộ Tài Chính. Theo ông Có, thu phí 23 năm ở trạm Điện Thắng Bắc là do Nhà nước ấn định nhưng nay Tổng cục Đường bộ quản lý qua hệ thống, nếu nhà đầu tư thu đủ sớm thì bàn giao sớm.
Điều đáng nói, cuối tháng 12-2015, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có văn bản hỏa tốc số 17178/BGTVT-TC đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT (đã có lộ trình tăng phí từ 1-1-2016) tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến 1-6-2016. Thế nhưng, trạm thu phí BOT của Công ty 545 vẫn tăng phí kể từ ngày 1-1-2016.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Có cho rằng văn bản 17178/BGTVT-TC của Bộ GTVT gửi cho Bộ Tài Chính và nhà đầu tư, nhưng đến nay Bộ Tài Chính chưa đồng ý. Trong văn bản 17178/BGTVT-TC chỉ có 23 trạm và trong 23 trạm trên toàn quốc đó không có trạm của Quảng Nam và Quảng Ngãi. Vì vậy, văn bản đó của Bộ GTVT không liên quan đến trạm của Công ty 545.
NGUYÊN KHÔI