Quảng Ngãi: Hơn 8.200ha keo bị bệnh chết héo

Từ đầu năm đến nay, bệnh chết héo trên cây keo xuất hiện ở hơn 8.200ha rừng trồng ở hầu hết các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi và có xu hướng lan rộng, thiệt hại kinh tế cho người trồng rừng.

Tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 225.000ha rừng trồng, chủ yếu là keo nguyên liệu. Đây là loại cây góp phần cho công tác xóa đói giảm nghèo ở các vùng miền núi của tỉnh. Thế nhưng từ 2 năm nay, người trồng keo đang đối mặt với nhiều khó khăn về dịch bệnh trên cây keo.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh chết héo trên cây keo xuất hiện ở hơn 8.200ha rừng trồng ở hầu hết các địa phương, trong đó có hơn 5.500ha bị nhiễm nặng và có xu hướng lan rộng, khiến người trồng rừng thiệt hại nặng, nhiều người phải chặt bỏ, xóa bỏ cây keo, thay thế các loại cây trồng khác.

Người dân phá bỏ cây keo vì dịch bệnh chết

Người dân phá bỏ cây keo vì dịch bệnh chết

Cây keo có biểu hiện lá héo do mất nước, trên thân có những chỗ vỏ cây chuyển màu nâu, phần thân gỗ bên trong có màu xám đen, có nơi vết bệnh chảy nhựa màu cánh gián hoặc xì bọt màu trắng, những cây bị bệnh nặng toàn thân bị khô héo, rụng lá, rễ cây chuyển màu xám đen. Các dấu hiệu bệnh kéo dài khiến cây keo sinh trưởng kém dần và chết khô. Các xét nghiệm đã xác định nguyên nhân gây bệnh là do nấm Ceratocystis sp và nấm Fusarium sp.

Khi cây keo bị bệnh, các hộ dân được khuyến cáo phải tiêu hủy các cây bị bệnh, rắc vôi bột, dọn thực bì để ngăn chặn sự lây lan và phát tán.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, ngoài nấm thì cây keo chết còn do cách canh tác của người dân chưa đúng kỹ thuật. Đa số các hộ dân vẫn trồng với mật độ quá dày, các chủ rừng trồng với mật độ khoảng 5.000 cây/ha, thậm chí có nơi lên đến 8.000 cây/ha, trong khi đó, mật độ khuyến cáo chỉ từ 1.500 – 2.000 cây/ha hoặc cao nhất là 2.500 cây/ha.

Bên cạnh đó, giống là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng rừng trồng, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng cây keo hom, đây là giống dễ nhiễm bệnh, khả năng chống chịu gió bão kém. Người dân thường tập trung khai thác theo chu kỳ 3-5 năm để bán gỗ dẫn đến giá trị của rừng trồng rất thấp, bình quân chỉ đạt 60-80 triệu đồng/ha.

Để nâng cao giá trị rừng trồng, giải pháp lâu dài vẫn là kêu gọi doanh nghiệp cùng đầu tư với chủ rừng hình thành chuỗi liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với gỗ lớn.

Tin cùng chuyên mục