
Người dân xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bước vào vụ đông xuân 2007-2008 trong tình trạng thiếu nghiêm trọng về các loại giống lúa. Do vậy, ngoài việc mua giống của Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh - đơn vị cung ứng nguồn giống, nông dân còn phải tự xoay chạy để có đủ giống sản xuất. Và một thực tế buồn đã xảy ra: Lúa P6 đến kỳ trổ bông bị pha lẫn với nhiều giống lúa khác. Nông dân chua chát gọi đây là giống lúa ‘’P6... 4 tầng’’.
Lúa ‘’P6... 4 tầng’’
Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy cho biết: “Do thiếu giống từ đầu vụ nên 3 hợp tác xã (HTX) (Thủy Ba Tây, Thủy Ba Đông và Đức Xá) phải tự tìm nguồn giống cho bà con nông dân. HTX đã hợp đồng mua giống từ Công ty TNHH Tiền Phương có trụ sở đóng tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đã xảy ra hiện tượng lúa P6 bị lẫn với lúa khác. Toàn xã hiện nay có hơn 22ha lúa trổ bông không đều”.

Nông dân Nguyễn Văn Thư buồn khi vụ lúa năm nay mất mùa vì giống...
Chủ nhiệm HTX Thủy Ba Tây, anh Lê Văn Thanh đưa chúng tôi đi ‘’mục sở thị’’ những thửa ruộng lúa P6 bị lẫn lúa khác. Hiện nay lúa đã vào thời kỳ chín ướm và bà nông dân đang vào vụ gặt.
Tại một đám ruộng sát đường, anh Thanh ngồi thụp xuống quơ tay túm một bụi lúa. Bụi lúa này thân to khỏe, bông lúa đã cúi nhưng vẫn cao vóng lên so với những cây khác trong đám ruộng. “Đây không biết là giống gì nhưng chắc chắn là không phải giống lúa P6. Cả HTX có 95 hộ lâm vào tình cảnh này với diện tích hơn 15ha”, anh Thanh cho biết.
Gặp nông dân Lê Văn Thư (đội 1) đang thẫn thờ nhìn đám ruộng hơn 3 sào của mình, anh ngán ngẩm: “Giống má thế này làm sao để lại cho vụ sau được. Năm trước, năng suất lúa nhà tôi đạt trung bình 54 tạ/ha, năm nay ước chỉ đạt 35-40 tạ/ha thôi. Hơn thế, vì giống bị lẫn nên sau này không thể bán giống P6 được”.
Anh Thư giải thích thêm: “Khi lúa bắt đầu làm đòng thì phát hiện ra có đến 4 chủng loại. Có loại trổ đầu tiên cây thấp như P6; loại thứ hai cây bằng giống P6 nhưng hạt thóc dài, to và tròn hơn; loại thứ ba là hạt thóc có râu, hạt dài và nhỏ; loại thứ tư là cây cao trội lên, hạt thóc to và tròn. Tỷ lệ pha lẫn nơi nhiều nhất khoảng 20% nhưng bình quân là 10%. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là không biết xử lý ra sao với thửa ruộng vì lúa có nơi thì đã chín rục, xen lẫn với phần lúa đang trổ bông và phần lúa làm đòng...’’.
Bà con nông dân cho hay, trong khi thiếu giống P6 để gieo trồng thì anh Nguyễn Văn Năm - cán bộ Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị - ra ‘’chào bán’’ giống do Công ty TNHH Tiền Phương cung cấp với giá 8.500đ/kg.
Khi anh Năm và công ty đưa giống về thấy đóng nhãn bao bì của hai đơn vị là Công ty Giống cây trồng Hải Dương và Công ty cổ phần Kiên Giang. Mấy hôm trước, khi phát hiện giống bị lẫn nhiều, anh Năm có ra trao đổi với bà con là sẽ bồi thường phần năng suất bị thiệt hại do giống gây nên.
Được biết, sau khi cùng bà con nông dân thăm đồng thấy có hiện tượng lúa trổ bị pha lẫn, Công ty TNHH Tiền Phương đã họp dân để thống nhất phương án hỗ trợ thiệt hại cho bà con. Anh Năm khẳng định: ‘’Đây là những sơ suất nằm ngoài ý muốn nên công ty đã báo lại với 2 đơn vị cung cấp giống để cử người về tại địa phương nghiệm thu, đánh giá và tiến hành đền bù thiệt hại cho dân’’.
Bài học về câu chuyện quản lý
Khi được hỏi về vụ việc cung ứng giống nói trên, ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh cho rằng, khoan bàn đến chất lượng giống tốt hay xấu vì cũng có thể xảy ra hiện tượng đột biến gien.
Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định nếu muốn cung ứng giống lúa cho nông dân thì Công ty TNHH Tiền Phương phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ giống cây trồng. Cũng theo ông Sơn, về chuyên môn, Phòng Nông nghiệp huyện không hiểu rõ lắm về Công ty Tiền Phương vì chưa bao giờ lãnh đạo công ty làm việc với phòng về vấn đề giống má.
Còn ông Trần Thanh Hiền, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT) quả quyết rằng Công ty TNHH Tiền Phương không có chức năng cung ứng giống lúa. Muốn có được chức năng này trước hết công ty phải được Sở KH-ĐT cấp giấy phép, Phòng trồng trọt trực tiếp thẩm định hồ sơ xin đăng ký kinh doanh.
Vậy nếu xét ở phương diện quản lý nhà nước, Sở NN-PTNT đã làm gì về hiện tượng kinh doanh giống lúa “ngoài luồng” như trên? Chúng tôi hỏi, anh Hiền trả lời: ‘’Rõ ràng việc để một doanh nghiệp không có chức năng cung ứng giống đi bán giống kém chất lượng như trường hợp này trước hết lỗi thuộc về đơn vị quản lý ngành là Sở NN-PTNT. Đây được coi là bài học cần phải được rút kinh nghiệm nghiêm túc và sớm có phương án xử lý để tránh thiệt hại cho dân’’.
Hiện nay về cơ bản việc khắc phục hậu quả đã có sự hợp tác bàn bạc giữa đơn vị cung ứng giống với người nông dân nên những thiệt hại đã phần nào được giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên bài học rút ra từ công tác quản lý, giám sát việc cung ứng nguồn giống vẫn đặt ra rất cấp bách.
VÕ LINH