Trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, Nga được hưởng lợi từ giá dầu, thu hút được dòng vốn ròng trị giá 41,1 tỷ USD năm 2006 và 81,7 tỷ USD năm 2007. Thế nhưng, sau 4 năm khủng hoảng hoành hành, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới phải chịu cảnh dòng vốn rút ra 305 tỷ USD.
Hơn bao giờ hết, nước Nga đang cần đẩy mạnh lượng cổ phần đầu tư vào thị trường nội địa. Đó cũng là lý do Nga lựa chọn hướng chủ lực là kêu gọi đầu tư vào chứng khoán trong nước, vốn có quan hệ mật thiết với tăng trưởng tín dụng, sự tăng hoặc giảm của dòng tiền chảy trong nền kinh tế.
Thuyết phục người dân nước mình là ưu tiên hàng đầu, nhất là việc thu hút chính doanh nghiệp Nga chuyển vốn đầu tư trở về nước. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, trong số các biện pháp nhằm đưa doanh nghiệp từ nước ngoài trở về khu vực phạm vi luật pháp Nga, nổi bật là cách tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán thông qua đầu tư vốn của quỹ dự trữ nhà nước và quỹ hưu trí vào thị trường này. Dự kiến, vào năm 2015, khoảng 50% tích lũy hưu trí và 15% vốn các quỹ dự phòng cần được đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước. Đi cùng biện pháp này là hàng loạt cải cách hành lang pháp lý, chế độ hỗ trợ đối với các nhà đầu tư là doanh nghiệp Nga. Tính rủi ro của thị trường vừa là “bảo chứng” để nhà đầu tư Nga tin vào sự mạo hiểm của chính phủ nhưng cũng gây nhiều tranh cãi trong giới am hiểu tài chính. Họ nghi ngờ việc lấy tiền mà công dân Nga gửi gắm để “đặt cược” cho nhiệm vụ tạo động lực cho thị trường chứng khoán liệu có thích hợp?
Mới đây, Tổng thống Vladimir Putin đã đệ trình Duma Quốc gia (Hạ viện) một dự luật cấm giới chức nước này nắm giữ các tài khoản ở nước ngoài hoặc sở hữu các cổ phiếu hay trái phiếu do nước ngoài phát hành. Ít nhất, dự luật của Tổng thống Nga bảo đảm giới chức nước mình sẽ không phải chịu sự ảnh hưởng của nước ngoài.
Thứ nhất, dự luật nhằm bảo đảm chủ quyền của đất nước.
Thứ hai là khuyến khích những đối tượng có tài khoản ngân hàng nước ngoài gửi tiền nhiều hơn vào các ngân hàng Nga, thúc đẩy hệ thống ngân hàng và nền kinh tế của nước nhà. Duma Quốc gia sắp tới cũng có phiên họp bàn về một dự luật tương tự. Theo đó, giới chức chính phủ, nhân viên quân đội cùng vợ, con cái tuổi vị thành niên sẽ không được sở hữu bất động sản, có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài hoặc sở hữu cổ phiếu và trái phiếu do nước ngoài phát hành.
Thêm một tín hiệu đáng mừng mà Tổng thống Putin lấy làm cơ sở để quyết tâm hơn trong chính sách giữ chân tài sản của công dân nước mình, đó là kết quả báo cáo của công ty kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers. Báo cáo cho thấy, 66% doanh nhân Nga không nghi ngờ gì về tương lai thành công của chính sách này. Trong khi trên thế giới, mức trung bình của chỉ số này là 33%.
Việc chính phủ tin cậy thị trường chứng khoán nội địa, có những lựa chọn đầu tư thích hợp vào những ngành phát triển, tiềm năng cao sẽ làm tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư tư nhân. Từ đó, tính rủi ro sẽ giảm bớt. Chuyển tài sản ra nước ngoài sẽ dần trở thành xu thế lỗi thời, thay vào đó là quay về lựa chọn đầu tư và thu lợi nhuận từ chính thị trường trong nước.
Như Quỳnh