Men theo con đường ven sông Truồi trong xanh, chúng tôi về thôn Bàn Môn (xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - nơi chôn nhau cắt rốn của Đại tướng Lê Đức Anh. Cụ Trần Đình Hàng (85 tuổi, ở gần nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh ở xã Lộc An) bùi ngùi kể: “Đại tướng Lê Đức Anh đã nhiều lần về thăm quê hương và bà con làng xóm. Vào năm 2012, khi Đại tướng và gia đình về quê dự lễ khánh thành Nhà văn hóa, thư viện được xây dựng tại đây, tôi lại may mắn có dịp trò chuyện với Đại tướng. Và lúc nào cũng vậy, Đại tướng luôn gần gũi, không quên thăm hỏi về tình hình cuộc sống, công việc làm của bà con”. Cụ Trần Đình Hàng cho biết thêm, Đại tướng Lê Đức Anh lúc nhỏ được cha mẹ đặt tên là Lê Văn Giác. Nhưng khi đi học, thầy giáo nói với ba mẹ ông đổi tên thành vần A để ngồi gần bảng nhìn rõ con chữ hơn. Cái tên Lê Đức Anh có từ hồi đó.
Còn theo ông Hoàng Ngọc Yến, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lộc An thời gian 1981 - 1990, ông từng có vinh dự được 3 lần tháp tùng Đại tướng Lê Đức Anh trong những ngày Đại tướng về thăm quê hương. “Mỗi lần về bác chỉ mong được thưởng thức một ấm nước chè Truồi”, ông Yến hồi tưởng.
Đang cùng người dân địa phương gấp rút sửa sang lại nhà thờ Đại tướng Lê Đức Anh để mọi người đến viếng trong những ngày diễn ra tang lễ và về sau, ông Nguyễn Bùi, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An, chia sẻ về lần cuối cùng ông vinh dự được Đại tướng Lê Đức Anh căn dặn: “Quê hương mình người dân còn nghèo khó lắm, bác muốn người dân được ấm no, hạnh phúc. Nhưng hiện bác đã về hưu rồi, không còn làm nữa, nhiệm vụ đó đành giao cho các cháu gánh vác, phải làm sao cho quê hương mình sớm trở thành một xã nông thôn mới, giảm số hộ nghèo xuống mức tối thiểu nhất…”.
Khắc ghi lời căn dặn của Đại tướng, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lộc An từng ngày ra sức, nỗ lực thi đua lao động, phát triển kinh tế để đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt, vào tháng 9-2018, xã Lộc An được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là động lực để cán bộ, nhân dân xã nhà tiếp tục nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế và quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công cách mạng. Đặc biệt, Nhà văn hóa, Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh hàng ngày vẫn thu hút rất đông người dân và các cháu học sinh, sinh viên đến đọc sách báo, tham quan, tìm hiểu về những kỷ vật gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh - người chiến sĩ cách mạng kiên trung, vị tướng lĩnh tài ba, nhà chính trị xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.