Quê hương thứ hai của những chiến sĩ tình nguyện

Chân cứng đá mềm
Quê hương thứ hai của những chiến sĩ tình nguyện

Trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng mỗi khi nhắc đến đất nước Lào thương mến, nghĩa tình, các chiến sĩ tình nguyện năm xưa lại bồi hồi, xao xuyến. Đó là quãng thời gian không dài nhưng việc chiến đấu, xây dựng cơ sở lặng thầm của người lính tình nguyện Việt Nam đã nhận được sự bảo bọc, nuôi dưỡng và tin tưởng của nhân dân xứ sở Triệu Voi. Trong không khí chào đón đại lễ 450 năm dời đô về Viêng Chăn (1560-2010), ký ức của các chiến sĩ tình nguyện lại dâng trào.

Đoàn cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào tổ chức lễ Phục Khèn (buộc chỉ cổ tay) với bạn Lào. Ảnh: V.TẤN

Đoàn cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào tổ chức lễ Phục Khèn (buộc chỉ cổ tay) với bạn Lào. Ảnh: V.TẤN

Chân cứng đá mềm

Những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào mà chúng tôi gặp hôm nay đều qua tuổi xưa nay hiếm nhưng các ông vẫn còn nhớ những ngày tháng chiến đấu trên đất bạn thân thương.

Trong hồi ức của mình, ông Võ Đăng Ngạn, nguyên chuyên gia tại Lào đã kể lại những kỷ niệm tại buổi lễ xuất quân đơn vị đầu tiên của quân tình nguyện Việt Nam sang chiến trường Hạ Lào vào ngày 19-8-1948. Ông nói: “Sau hơn một tháng học tập chính trị, học tiếng, phong tục tập quán Lào, chiều ngày 19-8-1948, tại làng Đề An, xã Hành Phước (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), đơn vị đầu tiên của Việt Nam làm lễ xuất quân lên đường làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường hạ Lào”.

Buổi lễ diễn ra đơn sơ, giản dị tại hội trường là lán tre mộc mạc nhưng được trang hoàng cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu… rất trang trọng với đủ các nghi thức truyền thống, quà tặng, tiệc liên hoan của nhân dân địa phương. Tuy chưa từng một lần biết múa, nhưng đêm đó các chàng trai tình nguyện Việt Nam vẫn duyên dáng, sóng đôi cùng bạn trong điệu múa Lăm Vông (điệu múa truyền thống của Lào), theo nhịp chân bước, giọng ca trầm hùng.

Đêm đến, ông Xởm Manovieng, thừa lệnh Hoàng thân Xuphanuvong và thay mặt cho bộ đội kháng chiến Lào đề nghị tổ chức lễ Phục Khèn (buộc chỉ cổ tay) để chúc phúc các vị đại biểu và mừng lễ xuất quân đồng thời làm lễ Hệc Xìu (kết bạn) giữa cán bộ, chiến sĩ 2 nước.

Trong không khí ấm cúng, trang nghiêm đó, đồng chí Phạm Văn Đồng phát biểu: “Chỉ có vận động được nhân dân Lào đứng lên kháng chiến thì mới đánh thắng được giặc Pháp xâm lược. Chúc các đồng chí lên đường chân cứng đá mềm, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang”. Lời nói chân tình trên đã theo các chiến sĩ tình nguyện trong suốt quãng thời gian chiến đấu, công tác trên đất bạn.

Chở che, đùm bọc

Chuyện xảy ra đã hơn nửa thế kỷ, nhưng với ông Nguyễn Văn Tấn, 83 tuổi (Trung đoàn 126, Liên khu 5), như mới xảy ra hôm qua. Ông Tấn tâm sự: “Một ngày tháng 1-1950, tôi nhận được quyết định tham gia đoàn quân tình nguyện sang Lào. Tôi chỉ về thăm nhà vài giờ đồng hồ, chiều tối trở lại đơn vị và hành quân sang huyện U-đôm-xỉn, thuộc cao nguyên Bô-lô-ven. Khác với những đoàn khác, đoàn của tôi chưa được học tiếng Lào cũng như phong tục tập quán. Tuy nhiên, chúng tôi đã vượt qua khó khăn, gian khổ trong sự cưu mang, đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân các bộ tộc Lào và sự phối hợp của cán bộ chiến sĩ Pa thẹt Lào”.

Thời điểm ấy, giặc liên tục càn quét, đánh phá với dã tâm đẩy quân tình nguyện từ bờ sông Cửu Long về bên kia dãy núi Trường Sơn nhưng ông Tấn và đồng đội của ông vẫn kiên quyết bám dân, bám đất, kiên trì xây dựng cơ sở, phát triển phong trào.

Ông Tấn bồi hồi nhớ lại: “Đoàn quân của chúng tôi đi bộ qua đèo Le, leo dốc Tân Đăm, qua Dak Chưng, làng Tà Ngô, vừa thực hiện công tác, vừa học tiếng Lào và phong tục tập quán Lào. Nơi đóng quân đầu tiên là làng Phà-nuổn-nhầy và trong suốt quá trình hoạt động, chúng tôi được các già làng Phò Lươm, Phò Khoỏng, Phò Wà, Phò Lỳ, Mẹ Pùa… hỗ trợ hết mình. Ngoài việc gầy dựng cơ sở, làm công tác binh vận, chiến đấu, quân tình nguyện còn phải sản xuất tự túc. Người dân Lào hiền hòa, chất phác đã coi chúng tôi như con em ruột thịt của họ.

Khi đi ngang qua các nương rẫy, các mẹ, các chị đã chạy theo và giúi vào tay chúng tôi những củ khoai nướng, bắp nướng làm quà. Nhiều lần chúng tôi phải dừng chân ở bìa làng để hoạt động. Các mẹ, các chị luôn theo dõi tình hình địch, hoạt động của biệt kích, gián điệp và thông báo cho chúng tôi. Sáng sáng, tôi hỏi “Mi sa tu bò!” (Có địch trong làng không?), mẹ Pùa lại trả lời “Bò” (Không có!) và chúng tôi lại vào làng hoạt động”.

Năm 1954, theo Hiệp định Genève, quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, ông Tấn được bố trí ở lại để tiếp tục công tác nắm tình hình và giúp bạn củng cố, phát triển cơ sở, giữ vững phong trào. Hoạt động đơn tuyến, nhưng ông Tấn và đồng đội vẫn tiếp tục được sự chở che, đùm bọc của bà con.

Ông Tấn kể tiếp: “Biết chúng tôi công tác gian khổ, bí mật ở rừng, có thứ gì ngon, các mẹ, các chị cũng để dành cho. Cứ vài ngày, bà con lại đem ra bìa rừng cho vài cà-típ xôi (ống tre đựng xôi) đã nừng (hong bằng hơi nước), vài con cà-ngảng nướng (một loại chim giống như bồ câu) chấm cheo (một loại nước chấm của Lào) và vài chai mật ong rừng”.

Nghĩa tình thủy chung, hiền hòa, chất phác của nhân dân là những đức tính cao quý mà bất cứ người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tại Lào đều dễ dàng cảm nhận. Dù thời gian công tác ngắn hay dài thì trong tim người chiến sĩ tình nguyện vẫn xem đất nước Lào như quê hương thứ hai của mình.

Thời điểm này, trong không khí hân hoan chào đón sự kiện đại lễ 450 năm dời đô về Viêng Chăn (1560 - 2010), ký ức của các chiến sĩ tình nguyện lại dâng trào. Viêng Chăn, thủ đô cổ kính, đẹp và anh hùng, nơi kết tinh truyền thống của một dân tộc kiên cường, bất khuất, một nền văn hóa lâu đời, hôm nay vẫn hiên ngang đứng vững trước đầu sóng, ngọn gió, cùng với cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục