Chiều 15-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) họp phiên toàn thể, góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến phát biểu tại hội trường bày tỏ sự tán thành với những định hướng sửa đổi quan trọng trong dự thảo.
Nội dung về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp đã được nhiều ĐB tập trung cho ý kiến. Các ĐB Doãn Thế Cường (Hưng Yên), Ya Duck (Lâm Đồng) đề nghị Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị Hiến pháp cần bổ sung quy định nghiêm trị những hành vi tuyên truyền, chống lại vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và coi đó như hành động chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. ĐB Nguyễn Thanh Nam (Cà Mau) cho rằng, cần ghi rõ tại điều 4 của Hiến pháp: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội”.
Còn theo ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), dự thảo Hiến pháp sửa đổi chưa thể hiện được vai trò duy nhất của QH trong quyền lập hiến, lập pháp; đồng thời chưa cụ thể hóa được quyền của QH đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng tình với nhận định này, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) kiến nghị cụ thể về việc QH thành lập Hội đồng Lập pháp, bao gồm Ủy ban Thường vụ QH có mở rộng thành phần, hoặc tất cả các ĐBQH chuyên trách. Theo ông, với cách làm này, QH chỉ tập trung làm Hiến pháp và các luật lớn, quan trọng nhất; còn lại giao cho Hội đồng Lập pháp, như vậy vừa đảm bảo tính chuyên môn sâu hơn, vừa tiết kiệm được thời gian… ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị Hiến pháp nên có khung quy định về hoạt động, tiêu chí của ĐBQH.
ĐB Lương Văn Thành (Hải Phòng) và một số ĐB khác đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Viện Kiểm sát. Trong ba nhánh quyền lực, cần quy định rõ viện kiểm sát và tòa án nhân dân nằm trong nhánh tư pháp, đảm bảo quyền độc lập, thượng tôn pháp luật, không bị chi phối bởi các cơ quan hành pháp trong xét xử. Viện Kiểm sát các địa phương chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) và một số ĐB khác đề nghị bổ sung nhiệm vụ của Viện Kiểm sát là kiểm soát chung, như kiểm soát các văn bản hành chính… Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán phải do QH bầu ra trong số các ĐBQH.
Một số ý kiến khác đề cập đến trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước, nguyên tắc bình đẳng trong các thành phần kinh tế…
* Tất cả các dân tộc đều cần có đại diện trong QH
Bảo đảm sự bình đẳng trong phát triển cho tất cả các dân tộc anh em, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để đồng bào các dân tộc thiểu số thu hẹp khoảng cách phát triển cũng là kiến nghị đáng lưu ý của các ĐB. ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) trăn trở: “Vẫn còn 5 dân tộc anh em chưa một lần có đại diện tham gia QH. Tôi đề nghị Hiến pháp bổ sung quy định tạo điều kiện để mọi dân tộc đều có đại diện của mình trong QH; bổ sung quy định Nhà nước dành nguồn lực thích đáng để bảo tồn di sản văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số”.
Liên quan đến việc thể chế hóa đường lối của Đảng về chế độ kinh tế ở nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều ĐB cho rằng dự thảo cần làm rõ hơn quy định tại khoản 1 điều 55 nhằm đảm bảo yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường theo hướng bền vững, với nhiều hình thức sở hữu. Trong đó, vai trò kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước phát triển theo hướng ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế quốc dân, nhưng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa làm rõ vai trò kinh tế tập thể trong việc cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc. Nhiều ĐB không đồng tình với cách liệt kê các thành phần kinh tế như trong dự thảo.
| |
Anh Thư