Quốc hội nhất trí cao giám sát về tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo

Chiều nay, 11-6, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014.

(SGGPO).- Chiều nay, 11-6, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, tổng hợp ý kiến đề nghị của các cơ quan về nội dung giám sát chuyên đề, Văn phòng Quốc hội đã nhận được 207 nội dung kiến nghị từ 76 cơ quan cần xin ý kiến, tập trung vào một số nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, công tác quy hoạch sử dụng đất, thủy điện; công tác đấu thầu; tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công, chính sách đầu tư công; tính hiệu quả sử dụng vốn của một số ngành, công trình trọng điểm như hạ tầng giao thông, điện lực, dự án bauxite Tây Nguyên, chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà  nước; tổ chức và hoạt động của hệ thống ngân hàng, quản lý thị trường vàng, việc xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; quản lý giá và kết quả thực hiện bình ổn giá.

Thứ ba là việc thực hiện chính sách pháp luật về các chương trình đầu tư cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; đặc biệt là việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thứ 4, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; công tác bổ nhiệm cán bộ, hiệu quả tổ chức bộ máy, năng lực ban hành chính sách của các cơ quan nhà nước; công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và tệ nạn xã hội, công tác xét xử, thi hành án, xử lý vi phạm hành chính, phòng chống tham nhũng.

Thứ 5, việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh cho nhân dân; quản lý, sử dụng phí, viện phí, bảo hiểm xã hội; quản lý  các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân; phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới; chính sách giảm nghèo; chính sách dân số; giáo dục đại học ngoài công lập và giáo dục đại học đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục mầm non, công tác thanh niên…

Thứ 6, việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất nông nghiệp, sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị; quản lý tài nguyên, khoáng sản; tiết kiệm năng lượng; chính sách về khoa học-công nghệ; đặc biệt là công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thứ 7, việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài; việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khối lượng và nội dung các vấn đề cần giám sát là rất lớn. Vì vậy, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp trong năm 2014. Bao gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình thuỷ điện (giao Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì thực hiện); việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng (giao Ủy ban kinh tế chủ trì thực hiện); việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 (giao Ủy ban về các vấn đề xã hội chủ trì thực hiện).

Với dự kiến này, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý trong năm 2014 triển khai 2 chuyên đề giám sát đối với Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012.

Các đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM), đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp), đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau), đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên).. đều chung quan điểm này. Vì theo các đại biểu, Đề án về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là rất quan trọng, nếu thực hiện chậm sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển đất nước. Vì thế cần giám sát để đưa ra những giải pháp cần thiết cho triển khai đề án này.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề xuất các nội dung giám sát khác. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị sớm giám sát về chương trình phòng chống biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vì nếu để lâu tác hại là khôn lường. Ngoài ra, đề nghị giám sát việc thí điểm không tổ chức HĐND quận huyện phường để có đánh giá chính xác nhất sau 5 năm thực hiện thí điểm việc này.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đồng ý với ý kiến của đại biểu Danh Út về giám sát kết quả thí điểm việc bỏ HĐND quận huyện phường, có cơ sở để thông qua nội dung chính quyền địa phương trong Hiến pháp sửa đổi. Ngoài ra, đại biểu Hùng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát tối cao những vấn đề nóng mà xã hội đang đòi hỏi, ví dụ như giải quyết nợ xấu. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng tán thành sớm triển khai giám sát việc giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho nhằm giúp Chính phủ triển khai thành công vấn đề này, Quốc hội cần chung tay vào giải quyết những vấn đề hệ trọng này.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề xuất cần giám sát việc thực hiện pháp luật trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vì văn hóa là rất quan trọng. Cần giám sát lãng phí trong sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước, nhất là trong chi đi công tác nước ngoài. Hiện nay đây là vấn đề mà cử tri rất quan tâm…

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục