Quốc hội sẽ có Tổng thư ký

(SGGP). – Đó là đề xuất đã được phân tích, mổ xẻ từ nhiều khía cạnh khác nhau tại cuộc tọa đàm về đề án xây dựng mô hình Tổng thư ký Quốc hội (QH) Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội.

(SGGP). – Đó là đề xuất đã được phân tích, mổ xẻ từ nhiều khía cạnh khác nhau tại cuộc tọa đàm về đề án xây dựng mô hình Tổng thư ký Quốc hội (QH) Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Các ý kiến nêu rõ, theo kinh nghiệm quốc tế, tổng thư ký nghị viện các nước đảm nhiệm 2 nhiệm vụ chính. Đó là tham mưu, cố vấn cho chủ tịch nghị viện và nghị viện về những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục hoạt động của nghị viện và tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính phục vụ hoạt động của nghị viện, các ủy ban và các nghị sĩ.

Trên thực tế, từ năm 1960 - 1981, Việt Nam đã có chức danh Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ QH. Từ năm 1981, cùng những thay đổi về cơ cấu, tổ chức của bộ máy giúp việc của QH, chức danh của người đứng đầu cơ quan giúp việc của QH được đổi thành Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) và Hội đồng Nhà nước (năm 1981 - 1992) và Chủ nhiệm VPQH (từ năm 1992 đến nay).

Việc lập lại chức danh Tổng thư ký QH được nhiều đại biểu tham dự tọa đàm nhìn nhận là cần thiết, bởi lẽ hiện nay VPQH và người đứng đầu VPQH vẫn chưa được đề cập đến trong Luật Tổ chức QH. Việc thành lập chức danh Tổng thư ký và quy định về chức danh này trong Luật Tổ chức QH sẽ khẳng định địa vị pháp lý của bộ máy giúp việc của QH và người đứng đầu bộ máy đó.

Một số ý kiến đề nghị nếu thành lập chức danh Tổng thư ký QH thì trong điều kiện hiện nay, người giữ chức danh này vẫn nên đồng thời là đại biểu QH. Tuy nhiên, về lâu dài, để tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Tổng thư ký QH thì người giữ chức danh này chỉ nên là một quan chức hành chính, không nên kiêm nhiệm chức năng chính trị.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục