Ngày 1-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã làm việc tại tổ để thảo luận, góp ý hai dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Chế tài nhẹ gây mất công bằng
Thảo luận dự án Luật Sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế, các ĐBQH cho rằng các quy định trong dự luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế dự luật phải có các quy định tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt chú trọng hậu kiểm; có chế tài, mức xử phạt đủ mạnh nhằm hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận thuế, chuyển giá giữa các DN. Theo một số ĐB, đối với đối tượng kê khai sai, trốn và gian lận thuế cần tăng xử phạt từ 10% số tiền thuế kê khai, số tiền thuế được hoàn lên 20% để tăng tính răn đe.
ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) cho rằng chính chế tài nhẹ đã dẫn đến sự mất công bằng giữa người nộp thuế và trốn thuế. “Một người chỉ cần trộm cắp tài sản vài triệu là bị ngồi tù, trong khi trốn thuế lên đến hàng trăm triệu đồng vẫn không sao”, bà Bình dẫn chứng. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (ĐB tỉnh Nam Định), mức xử phạt như trong dự thảo không phải là quá thấp, điều quan trọng là công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều lỗ hổng.
Nhiều ĐB cũng bức xúc trước nạn chuyển giá hiện nay, diễn ra nhiều ở các công ty nước ngoài, tuy Chính phủ đã phát hiện nhưng vẫn chậm xử lý, dẫn đến thất thu ngân sách không nhỏ. ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) lưu ý rằng, việc chuyển giá của các công ty đều có đường đi, công thức, từ công ty mẹ sang công ty con: “Vậy chống đoạn nào, chống như thế nào và xử lý ra sao phải thuyết minh cho rõ chứ không chung chung như dự thảo được”.
Một vấn đề khác là vẫn còn sự phân biệt đối xử về xóa nợ thuế giữa các loại hình DN. Theo ĐB Huỳnh Thành Lập (TPHCM), dự thảo luật quy định đối với các khoản tiền thuế, tiền phạt còn nợ không có khả năng thu hồi phát sinh trước khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành, Chính phủ tổ chức thực hiện kiểm tra xóa nợ và báo cáo Quốc hội với 2 trường hợp, trong đó có trường hợp nợ thuế của DNNN đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền. “Tại sao luật lại quy định chỉ xóa nợ cho DNNN, còn các loại hình DN khác thì sao?” – ĐB Huỳnh Thành Lập thắc mắc.
Dự trữ quốc gia không nên chỉ dựa vào ngân sách
Thảo luận về dự án Luật DTQG, nhiều ĐBQH cho rằng mục tiêu về DTQG quy định trong dự luật còn quá rộng, có thể dẫn tới khó thực hiện trong thực tế. Theo ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM), về bản chất DTQG là nhằm để xử lý những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cấp bách như thiên tai, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng - an ninh… Vì vậy, cần xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng DTQG dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất DTQG, tránh dàn trải.
Một số ý kiến khác nhận xét, việc dự luật quy định mục tiêu “bình ổn thị trường” của DTQG là chưa hợp lý bởi điều này có thể dẫn đến trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, gây phức tạp trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, mặc dù quy định mục tiêu bình ổn thị trường nhưng dự luật lại chưa làm rõ trong điều kiện nào, tình huống nào được phép xuất nguồn lực DTQG để tham gia bình ổn thị trường.
Về nguyên tắc sử dụng, quản lý DTQG, ĐB Võ Thị Dung cho rằng: “Quản lý chặt chẽ, an toàn, bí mật và phải đảm bảo chất lượng hàng hóa. Vì thực tế, có những lần thiên tai, Chính phủ xuất hàng trăm tấn gạo cho đồng bào nhưng chất lượng kém không dùng được. Điều này làm mất đi ý nghĩa của công tác cứu trợ”.
BẢO MINH – LÂM NGUYÊN
Xúc tiến sửa các luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm
(SGGP). – Chiều 1-6, QH thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ QH khóa XIII.
Báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến thảo luận tại tổ ĐBQH về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất đề nghị đưa dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào chương trình năm 2012. Dự án luật này sẽ được thông qua theo quy trình tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 4). Cùng với đó, để tạo ra môi trường pháp luật đồng bộ, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng được UBTVQH đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2013 (cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6). Nhiều ý kiến còn đề nghị thông qua dự án luật này ngay tại một kỳ họp - kỳ họp thứ 5. Các ý kiến phát biểu phiên thảo luận tại hội trường đồng tình cao về việc xúc tiến hai dự luật trên.
Đáng lưu ý, nhiều ĐBQH kiên trì quan điểm cho rằng không nên trì hoãn việc xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vì đây là dự án luật “quá bức xúc” và sau Nghị quyết Trung ương 5 định hướng cho vấn đề sở hữu đất đai cũng đã rõ. ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nhận định: “Nguyên tắc làm luật quan trọng nhất là ưu tiên những vấn đề xã hội đang bức xúc; không nên dễ làm, khó để lại. Định hướng sở hữu đất đai đã có rồi, càng chờ lâu tình hình càng thêm phức tạp”. ĐB Vũ Công Tiến cũng khẩn thiết đề nghị QH, UBTVQH cân nhắc, không nên trì hoãn việc ban hành Luật Quy hoạch, Luật Đô thị.
Có cùng quan điểm về sự cần thiết của Luật Quy hoạch và Luật Đô thị, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) nhấn mạnh, đây là cơ sở vô cùng quan trọng cho công tác điều hành kinh tế xã hội, đặc biệt là các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội. “Vẫn biết các dự án này đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII nhưng chúng tôi đề nghị đưa vào Chương trình năm 2013 chứ không nên để lại muộn hơn nữa”, bà nói.
Phát huy sáng kiến lập pháp, nhiều dự án luật khác đã được các ĐBQH đề nghị đưa thêm vào Chương trình nhiệm kỳ QH khóa XIII như Bộ luật Tố tụng lao động; Luật Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia; Luật Trọng dụng nhân tài, Luật Thu hồi đất, đền bù tái định cư, Luật Phá sản…
| |
A.THƯ