Ngày 25-5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Dù đánh giá những kết quả tích cực của nền kinh tế thời gian qua nhưng nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, nền kinh tế vẫn tăng trưởng chưa bền vững, nhiều tồn tại cũ đang trở thành thách thức mới trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập.
Bệnh cũ tái phát vì tái cơ cấu chậm
|
Theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), kinh tế 5 tháng đầu năm nổi lên nhiều điểm tích cực: tăng trưởng tín dụng cao hơn cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp... Đó là những dư địa tốt cho thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa. Tuy nhiên, 2 vấn đề không mới nhưng đã xuất hiện trở lại và là thách thức. Thứ nhất là nhập siêu. Thực chất, nhập siêu cao những tháng đầu năm (5 tháng đã 2 tỷ USD - PV) là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế bấy lâu nay “chứ không phải điều hành giỏi hay dở”, khi mà sản xuất quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều này đã được đề cập khá lâu nhưng chưa “bài thuốc” nào hiệu trị. Do vậy, khi đầu tư tăng trở lại thì nhập siêu tăng. Thứ hai là nền nông nghiệp Việt Nam đang ở trong tình trạng sản xuất thừa với cả thị trường trong và ngoài nước.
ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn: “Chúng ta chỉ mới bán cái chúng ta có chứ không bán cái người ta cần”. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân những tồn tại cũ lại xuất hiện, theo ĐB Trần Du Lịch, đó là chúng ta đang tái cơ cấu nền kinh tế quá chậm. Cũng đồng tình với quan điểm kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), cho rằng việc nhập siêu trở lại trong bối cảnh xuất khẩu giảm so với cùng kỳ đã gây áp lực lên tiền VND và niềm tin của người dân và ảnh hưởng đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), giữa báo cáo và thực tế cần làm rõ một số điểm. Chẳng hạn như tình trạng doanh nghiệp phá sản nhiều trong 2 năm trở lại đây và 4 tháng đầu năm; tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu nộp thuế thấp (năm 2014 chỉ xấp xỉ 50%); vai trò ngày càng nổi lên của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ thêm những cụm từ đánh giá trong báo cáo như “chưa bền vững”, làm rõ ra “chưa bền vững” ở ngành, lĩnh vực nào và vì sao thì mới có giải pháp xử lý tốt hơn.
Tam nông vẫn khó khăn
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, một đất nước có đến 67% người dân sống ở nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm 46% tuổi lao động - tương đương hơn 24 triệu người - nhưng chỉ đóng góp 18% GDP. Sản xuất có năng suất thấp và không ổn định, do vậy Quốc hội nên có nghị quyết về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn để nhấn mạnh sự ưu tiên cho phát triển lĩnh vực này, bởi nếu không tác động của tăng trưởng kinh tế sẽ không trọn vẹn. Dẫn bài viết của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cách đây 15 năm “chưa lúc nào người sản xuất nông nghiệp bị dồn thế bí, giảm giá, tiêu thụ khó khăn, đối mặt mưa lũ... như hiện nay”, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) nhấn mạnh, tình hình tam nông hiện nay vẫn đối mặt những vấn đề tương tự. Trong khi, trả lời chất vấn, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương mới chỉ dừng ở việc tìm nơi bán hàng còn gốc vấn đề là quy hoạch, chất lượng, cạnh tranh để tiêu thụ sản phẩm không được nêu nhiều. Điều đáng lo ngại là tình trạng phá vỡ quy hoạch đang nối tiếp các hạn chế này. Chẳng hạn như Bộ NN-PTNT trình quy hoạch trồng cây mắc ca đến năm 2020 là 10.000ha nhưng nay chỉ riêng ở Lâm Đồng, diện tích đã lên tới 22.000ha. “Thế còn quy hoạch gì nữa, quản lý sẽ ra sao?”, ĐB Võ Thị Dung băn khoăn.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng đặt vấn đề: Tại sao vấn đề tam nông nói nhiều nhưng không có chuyển biến, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn? “Quốc hội nên dành ra một phiên họp bàn về vấn đề này để làm rõ tại sao tình hình lại thế này, đâu là điểm tích cực, hạn chế và đưa ra giải pháp. Còn nếu không nói đi, nói lại, nói hoài tình hình vẫn như thế. Ai cũng lo sao tình hình vẫn vậy, bản chất vấn đề ở chỗ nào? Quốc hội cần thiết kiểm tra, thậm chí giám sát tối cao về vấn đề này” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu tại phiên họp tổ ngày 25-5.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, cần đặc biệt tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, chặn đà suy giảm của lĩnh vực này. “Giá cao su xuống, giá xuất gạo cũng đi xuống do chất lượng kém, trồng thanh long ở Bình Thuận vượt quy hoạch... thực trạng này cho thấy vấn đề nông nghiệp cần phải nhìn căn cơ và làm ngay trong năm nay. Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, được đánh giá rất cao về tiềm năng, khả năng, vì vậy cần phải có tính toán cụ thể ngay lập tức. “Bởi nếu không đến kỳ họp Quốc hội cuối năm, rất có thể chúng ta sẽ phải nghe báo cáo tăng trưởng giảm, nhất là giảm trong nông nghiệp thì đời sống người nông dân rất khó khăn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Bó tay với tồn tại chi ngân sách?
Năm 2013, dự toán Quốc hội giao cho thu là 816.000 tỷ đồng, chi 978.000 tỷ đồng và khi quyết toán thu - chi ngân sách, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua lần lượt các con số: 1.084.064 tỷ đồng và 1.277.710 tỷ đồng. Bội chi ngân sách trình thông qua là 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP, trong khi trước đó, Quốc hội duyệt con số bội chi 4,8% GDP và sau đó nâng lên tỷ lệ 5,3%. Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra việc một số địa phương còn chưa nghiêm như: phê duyệt dự án đầu tư khi chưa bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn; không bố trí vốn tập trung cho các công trình trọng điểm; số nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản còn lớn; các sai phạm vẫn xảy ra trong hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, thể hiện công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản còn những yếu kém, gây thất thoát, lãng phí nhưng vẫn chậm được khắc phục...
ĐB Trần Du Lịch cho rằng, trong báo cáo thẩm tra đã nêu ra việc một số địa phương chưa nghiêm túc trong việc chi ngân sách: “Đề nghị chỉ ra luôn địa phương nào để Quốc hội cắt. Đơn giản vậy thôi. Còn nếu nói chung chung, không có địa chỉ thì phê bình kiểu này sao sửa được, hòa cả làng”.
Chú trọng phòng ngừa, kiểm soát tai nạn lao động
Chú trọng nội dung phòng ngừa, kiểm soát tai nạn lao động là ý kiến của ĐBQH Trần Thanh Hải (TPHCM), Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động tại phiên họp của Quốc hội ngày 25-5. “Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm mà lẽ ra đã có thể phòng ngừa, hạn chế được. Tôi đề nghị dự thảo luật này cần ưu tiên công tác phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát tai nạn lao động. Khi không may xảy ra tai nạn, đề nghị trợ cấp tai nạn lao động mà không phân biệt lỗi do người sử dụng lao động hay người lao động; đồng thời xử lý nghiêm minh người, tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn lao động nghiêm trọng” - ĐB Trần Thanh Hải nêu quan điểm.
Bên cạnh việc góp ý chuẩn hóa nhiều thuật ngữ trong dự thảo luật, ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) đề nghị cụ thể hóa khái niệm “tai nạn lao động nặng” và đề xuất nhiều cải cách trong quá trình bồi thường cho người bị tai nạn lao động để đảm bảo tính kịp thời và chia sẻ gánh nặng với người lao động và gia đình.
ANH THƯ - LÂM NGUYÊN
| |
>> Lo nông nghiệp, dịch vụ, doanh nghiệp dân doanh đều đang suy giảm
>> Chú trọng quy định phòng ngừa, kiểm soát tai nạn lao động