(SGGPO).- Sáng 21-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hàng không dân dụng Việt Nam với tỷ lệ tán thành 81,29% trên tổng số đại biểu Quốc hội.
Ảnh: Lã Anh
Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu, Luật đã quy định theo hướng Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu. Giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai; vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp.
Luật cũng đã bổ sung trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay cho phù hợp với pháp luật về xây dựng (khoản 2 Điều 56 dự thảo Luật).
Về đề nghị cần có chính sách phát triển hãng hàng không giá rẻ, không phá bỏ sân bay cũ mà tận dụng cơ sở này cho các hãng hàng không giá rẻ, trước khi thông qua dự Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giải trình thêm. Theo đó Ủy ban cho rằng, việc giảm giá thành vận chuyển hàng không giá rẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là cắt, giảm những dịch vụ, chi phí phục vụ không cần thiết. Việc sử dụng cảng hàng không, sân bay để vận chuyển giá rẻ còn phụ thuộc vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay và sự tính toán hiệu quả của nhà đầu tư; nhu cầu đi lại của hành khách. Mặt khác, việc tận dụng riêng cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay cũ cho các hãng hàng không giá rẻ khó có thể hạ giá thành vì phải chịu chi phí riêng cho nguồn nhân lực, việc thuê cơ sở hạ tầng tại cảng hàng không, sân bay.
Về ý kiến đề nghị quy định rõ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của hành khách và cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp để xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến mà không do nguyên nhân khách quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nội dung về quyền và trách nhiệm dân sự của người vận chuyển trong Luật đã quy định cụ thể quyền của hành khách, người gửi hàng, người nhận hàng; trách nhiệm dân sự của người vận chuyển; thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khởi kiện.
Ngoài ra, đối với các đối tượng cần được trợ giúp là người khuyết tật, phụ nữ có thai, trẻ em, người cao tuổi, người bệnh… khoản 6 Điều 6 dự thảo Luật được bổ sung quy định về nguyên tắc các doanh nghiệp phải tạo điều kiện cho người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp khi sử dụng dịch vụ hàng không dân dụng nhằm thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật của Việt Nam.
ANH PHƯƠNG