Lưu lượng xe đã gấp 4 lần thiết kế
Vào trung tuần tháng 6, chúng tôi đã có chuyến công tác từ TPHCM về Bà Rịa - Vũng Tàu để thêm một lần chứng kiến sự đông đúc đã đến mức báo động của con đường. Không cần vào giờ cao điểm, dù đang gần trưa nhưng xe cộ ùn ứ thành hàng dài hơn cây số ở cả 2 chiều, nối đuôi nhau chờ qua trạm thu phí T2. Khá nhiều xe khách, xe tải đã chạy cả vào làn dành cho xe máy để qua đoạn ùn ứ. Ngày hôm sau, khi chúng tôi quay về vào lúc hơn 14 giờ thì tình trạng ùn ứ xe cộ vẫn như cũ và phải mất 2 giờ 30 phút cho lộ trình dài chưa đầy 90km từ TP Vũng Tàu về đến Biên Hòa.
Dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp quốc lộ 51 được nghiệm thu đưa vào thu phí từ tháng 4-2013, thời gian thu phí là 20 năm 6 tháng (từ ngày 1-7-2009, tính luôn cả phần tiếp quản dự án cũ). Thiết kế của đường là cấp III đồng bằng, với lưu lượng xe bình quân là 10.000 lượt/ngày bình thường và 30.000 lượt/ngày đêm vào ngày cao điểm. Thế nhưng, do các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu mở ra nhiều, cùng sự ra đời của tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (nhất là đoạn TPHCM - Long Thành) đã làm lượng xe tăng quá nhanh và nhanh chóng vượt con số thiết kế.
Theo số liệu của Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), năm 2018, lưu lượng xe qua trạm T2 đạt bình quân 38.000 lượt/ngày đêm; năm 2019, lưu lượng xe tiếp tục tăng. Tháng cao nhất là tháng 4 (có kỳ nghỉ lễ), bình quân 40.164 lượt/ngày đêm - bằng 4 lần con số thiết kế. Trong đó, trong các ngày cao điểm là 13-4 và 27-4, lượng xe qua trạm đã đạt hơn 48.000 lượt/ngày đêm.
Cấp bách làm đường cao tốc
Lưu lượng xe tăng nóng đã làm mặt đường nhanh chóng xuống cấp, ùn ứ xe cộ xảy ra thường xuyên làm tăng thêm thời gian, chi phí cho các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến và gián tiếp kéo giảm tốc độ phát triển chung của cả vùng Đông Nam bộ. Không khó để nhận ra các đoạn đường bị sóng trâu và hằn lún trên tuyến quốc lộ này và chúng xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong thời gian gần đây.
Ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc BVEC, than thở: “Quốc lộ 51 hiện đã mãn tải (hết công suất khai thác và trở nên quá tải), theo kế hoạch thì đến năm 2020 phải phân bớt lượng xe cho đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhưng hiện dự án còn chưa có cả báo cáo phê duyệt, nên chúng tôi cũng không biết phải chịu đựng đến bao giờ, vì đường nhanh xuống cấp làm tăng thêm chi phí của doanh nghiệp”.
Trước mắt, để giảm thiểu ùn ứ xe cộ, BVEC đang chờ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chọn nhà thầu cung cấp thiết bị để công ty triển khai việc thu phí không dừng.
Trước đây, BVEC được lập ra với mục đích chính là làm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đúng như tên gọi), nhưng cách đây 5 năm, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo giao cho Ban quản lý dự án 85 thực hiện việc quản lý dự án đầu tư đường cao tốc nói trên và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ pháp lý, kết quả khảo sát lập dự toán và tim mốc tuyến ngoài thực địa. Nhưng đến nay, dự án vẫn án binh bất động! |
Lãnh đạo các tỉnh (trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu) đã nhiều lần kiến nghị Trung ương sớm đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Trảng Bom - Vũng Tàu để gánh bớt lưu lượng hàng hóa cho đường bộ, nhất là cho tuyến quốc lộ 51. Đồng thời, để có thể triển khai sớm con đường, Trung ương nên giao cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý dự án. Cần có cơ chế về vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào dự án; chọn các doanh nghiệp có năng lực về tài chính lẫn kinh nghiệm chuyên môn, hoặc có quy định về số vốn tối thiểu của các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án, để tránh thời gian thu phí kéo dài, mức thu cao, cùng các hệ lụy về xã hội như một số dự án BOT giao thông đang gặp phải.