Trước thềm Hội nghị hòa bình Geneva 2 về Syria sẽ diễn ra tại Thụy Sĩ vào tuần tới, cộng đồng quốc tế đã tăng cường viện trợ cho Syria giữa lúc dòng người tị nạn nước này vẫn tiếp tục kéo sang Thổ Nhĩ Kỳ tránh các cuộc giao tranh.
Cam kết viện trợ hơn 2,4 tỷ USD
Ngày 15-1, các quốc gia phương Tây, Ảrập và những nước khác đã cam kết viện trợ hơn 2,4 tỷ USD để giúp thường dân đang đau khổ vì cuộc nội chiến ở Syria. Các cam kết được đưa ra khi Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon tại hội nghị ở Kuwait về tài trợ cho Syria kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ 6,5 tỷ USD để cung cấp dịch vụ y tế, thực phẩm, nước và nơi trú ẩn cho những người tị nạn Syria và thường dân trong nước trong năm 2014.
Theo New York Times, đây là lời kêu gọi viện trợ với số tiền lớn nhất trong lịch sử của LHQ khi mà điều kiện sinh hoạt của người dân Syria trong nước và tị nạn tại các nước láng giềng ngày càng tệ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đại diện cho Mỹ tại hội nghị hòa bình Syria vào tuần tới. Ông cho biết Mỹ sẽ viện trợ 380.000 USD, nâng tổng số tiền Mỹ viện trợ cho Syria từ khi bắt đầu xảy ra nội chiến tới nay hơn 1,7 tỷ USD, cao nhất trong số các nhà tài trợ. Tiểu vương Kuwait, Sheikh Sabah al-Ahmed al-Sabah cam kết lớn nhất tại hội nghị hôm 15-1 với 500 triệu USD; Saudi Arabia và Qatar mỗi nước cam kết 60 triệu USD. Anh cam kết 165.000 USD và EU cam kết 225.000 USD. Các nhà tài trợ lớn khác bao gồm: Nhật Bản, Na Uy và Thụy Sĩ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng khoản viện trợ mới cho Syria vẫn sẽ không đủ trừ khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngừng sử dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh và ông yêu cầu Chính phủ Syria để hàng viện trợ tiếp cận các khu vực như Đông Ghouta, ngoại ô Damascus.
Muối bỏ biển
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey V. Lavrov nói rằng cách Chính phủ Syria và phe đối lập cho phép hàng cứu trợ đến các khu vực giao tranh sẽ là một mục tiêu chính của hội nghị hòa bình Syria sắp tới. Ông Kerry hy vọng Chính phủ Syria tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu trợ như đã từng làm với các thanh sát viên vũ khí hóa học.
Ông Kerry cho biết, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem sẽ tới Nga tham khảo ý kiến với điện Kremlin về hội nghị hòa bình Geneva 2, đồng thời nói thêm rằng ông có kế hoạch thảo luận với ông Lavrov về vấn đề tiếp cận nhân đạo một lần nữa qua điện thoại với ông Lavrov khi ông bay trở lại Washington.
Một vấn đề nữa là việc viện trợ không đúng với cam kết. Trong quá khứ, không phải tất cả các quốc gia tài trợ đều thực hiện đúng cam kết của họ. Chỉ có khoảng 70% số tiền thật sự đến với Syria trong năm 2013 so với số đã cam kết. Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, Các Tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất, một trong những quốc gia Ảrập giàu có nhất không thực hiện đầy đủ cam kết viện trợ.
Khoảng 6,5 triệu người Syria đã phải rời bỏ nhà cửa và hơn 2,3 triệu người đã bỏ chạy qua các nước làng giềng như Iraq, Jordan, Labanon và Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn. Theo Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, cuộc chiến tại Syria đã đẩy nước này thụt lùi nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Vì vậy số tiền cam kết viện trợ 2,4 tỷ USD sẽ vẫn chỉ là “muối bỏ biển”, theo nhiều chuyên gia.
Về hội nghị hòa bình Geneva 2 vào ngày 22-1, nhóm đối lập Cơ quan điều phối quốc gia Syria (NCB) ngày 15-1 cho biết sẽ không tham dự hội nghị với vai trò là một thành phần của Liên minh dân tộc Syria (SNC) đối lập do phương Tây hậu thuẫn. Về vai trò của Iran, Mỹ chỉ cho Iran dự hội nghị nếu nước này đồng ý với kế hoạch thành lập chính phủ chuyển tiếp thay thế Tổng thống Assad. Trong khi Iran cho biết chỉ tham dự khi được Tổng thư ký LHQ mời và không kèm điều kiện nào.
KHÁNH MINH