Quỹ Bảo hiểm y tế - Đủ kiểu bòn rút

Tình trạng lạm dụng các dịch vụ y tế, xét nghiệm, chiếu chụp… đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) đang diễn ra ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, nhiều bệnh viện không ngại ngần sử dụng các hình thức tinh vi để bòn rút Quỹ BHYT và móc túi người bệnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng khám chữa bệnh.
Quỹ Bảo hiểm y tế - Đủ kiểu bòn rút

Tình trạng lạm dụng các dịch vụ y tế, xét nghiệm, chiếu chụp… đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) đang diễn ra ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, nhiều bệnh viện không ngại ngần sử dụng các hình thức tinh vi để bòn rút Quỹ BHYT và móc túi người bệnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng khám chữa bệnh.

Chiếu chụp tràn lan

Mặc dù chưa thực hiện được đồng loạt tại các địa phương trong cả nước, nhưng kết quả thanh tra của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại 13 tỉnh thành bị bội chi hoặc có nguy cơ bội chi Quỹ BHYT trong 2 năm qua, cho thấy, nhiều dịch vụ kỹ thuật có chi phí cao lên tới hàng triệu đồng một lần thực hiện như chụp cộng hưởng từ MRI, chụp CT scaner, siêu âm màu, điện tâm đồ… lại được nhiều bệnh viện lạm dụng tràn lan với bệnh nhân có thẻ BHYT.

Bệnh nhân BHYT đang bị nhiều bệnh viện lạm dụng dịch vụ kỹ thuật trong xét nghiệm, chẩn đoán.
Bệnh nhân BHYT đang bị nhiều bệnh viện lạm dụng dịch vụ kỹ thuật trong xét nghiệm, chẩn đoán.

Thậm chí, có những bệnh nhân, chỉ đi khám đông y, cơ xương khớp hay phục hồi chức năng chẳng liên quan gì tới việc phẫu thuật nhưng vẫn được bác sĩ chỉ định đi chụp CT scaner hay siêu âm màu tim phổi.

Ông Nguyễn Tá Tỉnh, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, chỉ riêng tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định, qua kiểm tra phát hiện, chi phí từ các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện này chiếm tới 49% cơ cấu chi phí khám, điều trị ngoại trú và chiếm gần 29% chi phí điều trị nội trú. Trong khi đó, tỷ lệ này của cả nước chỉ ở mức 10% - 12%. Đáng quan tâm hơn, tại đây có tới 20% bệnh nhân phục hồi chức năng được chỉ định chụp MRI và hơn 10% bệnh nhân khám đông y chỉ định chụp MRI. Trong khi mỗi lần chụp MRI, bệnh nhân phải chi trả từ 2 - 2,5 triệu đồng. Ngạc nhiên hơn, có trường hợp sản phụ sinh nở ra viện rồi nhưng bệnh viện vẫn yêu cầu quay lại để chụp MRI với lý do là để… bảo đảm trách nhiệm. Còn tại một bệnh viện tuyến tỉnh khác, trong số 789 lượt bệnh nhân được chỉ định chụp MRI trong một quý có tới 708 bệnh nhân có thẻ BHYT. Đây quả thực là con số khiến cơ quan chức năng ngỡ ngàng.

Không chỉ vậy, tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, bệnh nhân có BHYT tới đây thường xuyên phải thực hiện một loạt dịch vụ kỹ thuật cho dù chỉ cảm cúm bình thường. Bất ngờ hơn khi tại bệnh viện này, hệ thống máy siêu âm trung bình mỗi ngày phải thực hiện 160 lần siêu âm/máy, thậm chí có ngày đạt mức hơn 250 lần, tương đương với việc máy siêu âm vận hành liên tục 18 - 20 tiếng mỗi ngày. Vì thế, thời gian siêu âm cho bệnh nhân đạt mức nhanh kỷ lục - không đầy 3 phút, khiến kết quả thiếu chính xác. Vậy nhưng, bệnh nhân và Quỹ BHYT vẫn phải trả tiền.

Thần dược... thuốc ngoại

Ngoài lạm dụng dịch vụ chiếu chụp, xét nghiệm đắt tiền với bệnh nhân BHYT, việc chỉ định tràn lan các loại thuốc bổ, kháng sinh ngoại đắt tiền, thuốc đặc trị cũng là vấn đề ảnh hưởng tới Quỹ BHYT. Tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa), qua kiểm tra, có tới hơn 90% bệnh nhân điều trị nội trú được chỉ định truyền đạm. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị tại đây không mắc bệnh về gan nhưng vẫn được chỉ định sử dụng thuốc Arginin có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về gan mãn tính.

Không chỉ lạm dụng các loại thuốc bổ mà các loại kháng sinh đặc trị, biệt dược hạn chế sử dụng khi chỉ định cho bệnh nhân phải có hội chẩn nhưng vẫn được bệnh viện vô tư cho bệnh nhân uống, bất chấp các quy định. Tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, thuốc kháng sinh đắt tiền chiếm tới hơn 70% số thuốc kháng sinh được kê cho người bệnh. Còn kiểm tra ngẫu nhiên 45 bệnh án tại khoa sản bệnh viện này, với chẩn đoán đẻ thường nhưng tất cả bệnh nhân đều được chỉ định sử dụng kháng sinh dự phòng Klamentin, dùng liên tục trong 16 ngày, trong khi bình thường chỉ dùng 7 ngày. Do đó mà chỉ riêng một quý tại Khoa sản của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long đã cấp tới gần 4.000 viên Klamentin với tổng số tiền trên 38 triệu đồng sau khi ra viện. Tại một số bệnh viện, các loại thuốc bổ, đặc trị được bệnh viện áp giá cao bất thường, với giá trúng thầu cao gấp 7 - 8 lần so với giá thị trường.

Năm 2011, BHXH Việt Nam tổ chức kiểm tra công tác giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại 7 tỉnh và đã xuất toán hơn 50 tỷ đồng do các cơ sở khám chữa bệnh thanh toán sai quy định. Tuy nhiên, hiện chế tài xử phạt về lĩnh vực BHYT vẫn chưa đủ sức răn đe. Cán bộ giám định BHYT tại các bệnh viện chỉ có chức năng kiểm tra, không được xử phạt. Để ngăn chặn tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Y tế đẩy mạnh hình thức thực hiện thanh toán theo định suất để các bệnh viện tự chủ trong thu chi…           

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam.


NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục