Qua vụ nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thiếu trung thực khi kê khai nhà đất để được cấp đất, cấp nhà, mua nhà giá rẻ, cho thấy phải có những quy định đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc kê khai tài sản và xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản.
Hàng năm, hầu hết cán bộ công chức từ cấp phó phòng trở lên phải kê khai tài sản, nhưng có bao nhiêu người thực sự kê khai đầy đủ, chính xác tài sản của mình và trung thực trả lời nguồn gốc của tài sản đó? Có bao nhiêu cán bộ khi làm hồ sơ xin hỗ trợ nhà đất (được mua nhà giá rẻ, được giao đất có hỗ trợ phí sử dụng, được vay vốn theo diện chưa có nhà đất để được mua các gói hỗ trợ của nhà nước…) đã trung thực về tình trạng nhà đất của mình? Có bao nhiêu người khi trả lời chất vấn (bên cạnh việc kê khai) của tổ chức đã trung thực về số lượng nhà đất, tài sản của mình và nêu rõ nguồn gốc của khối tài sản đó? Trên thực tế, hầu hết chỉ dựa vào sự tự giác của cán bộ, đảng viên.
Nói chung, người cán bộ, đảng viên đang giữ trọng trách được khuyến khích thể hiện tính tự giác. Tuy nhiên, nếu không có những quy định chặt chẽ để buộc cán bộ, đảng viên phải trung thực thì tính tự giác khó thể hiện đầy đủ, nhất là những trường hợp liên quan đến tài sản hay các lợi ích gắn liền với cán bộ, đảng viên đó. Việc kê khai tài sản hiện được thực hiện theo một số quy định như Luật Phòng chống tham nhũng, Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản và thu nhập, Thông tư 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập… Nhưng trên thực tế, việc kê khai tài sản hiện được thực hiện còn khá chiếu lệ, bởi Điều 11 của Thông tư 08 quy định về xác minh tài sản, thu nhập chỉ thực hiện trong các trường hợp: có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; xét thấy cần thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bổ nhiệm, kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai; khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 12 thông tư này. Với 4 trường hợp trên, chỉ có rất ít cá nhân phải thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập và rất nhiều người khi xảy ra sự việc nào đó thường khiến dư luận bất ngờ bởi tài sản được kê khai với tài sản thực có của họ rất khác xa nhau.
Như vậy, chỉ trông vào sự tự giác của cán bộ, đảng viên là chưa đủ. Không riêng gì vấn đề tài sản, nhiều lĩnh vực khác như vi phạm chính sách dân số, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng…, nếu cứ êm ả, không có ý kiến phản ánh gì, mặc nhiên người đó không vi phạm. Yêu cầu tự phê bình và phê bình trong các cuộc kiểm điểm thực tế cũng không phát huy nhiều tác dụng, bởi không ít người cho rằng nếu bản thân không trung thực thì có lẽ cũng không ai phát hiện sự thiếu trung thực đó, hoặc nếu có phát hiện thì không phải ai cũng đấu tranh khi việc tranh đấu, xử lý quá phức tạp. Từ đó càng đòi hỏi phải có quy định cụ thể, chặt chẽ và toàn diện hơn để phòng tránh các vi phạm của cán bộ công chức. Chẳng hạn, với một số cán bộ công chức giữ cương vị quan trọng, cần thiết có bản kê khai tài sản thật chi tiết, gồm bao nhiêu tài sản, ở đâu, giá trị cụ thể, do ai đứng tên, nguồn gốc của tài sản đó. Việc kê khai này nên công bố rộng rãi để người dân giám sát; tổ chức đảng và cơ quan cấp trên của cán bộ công chức đó phải tiến hành xác minh khi có dấu hiệu bất minh hoặc có khiếu nại, tố cáo; hình thức chế tài nghiêm khắc nếu có sự thiếu trung thực…
Có như vậy mới thêm tăng cường tính trung thực và tự giác của cán bộ, đảng viên, không chỉ trong vấn đề tài sản mà còn ở các lĩnh vực khác. Còn với các loại quy định tuy nhiều nhưng thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài thì dễ xảy ra tình trạng “lờn thuốc”, chắc chắn sẽ xuất hiện thêm nhiều “vụ Trần Văn Truyền khác”, vấn đề là có lộ hay không và lộ lúc nào mà thôi!
VÂN TÂM