Quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng

Việc quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” tại dự thảo Luật là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quốc phòng, bảo đảm quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi cuộc chiến tranh xâm lược.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp

Dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi cũng đã được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp chiều nay, 10-1.

Liên quan đến quy định về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, dự thảo Luật đã quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” nhằm thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; cụ thể hóa khoản 13 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia”…

Mặt khác, Điều 1 Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 chỉ điều chỉnh tình trạng khẩn cấp về thảm họa, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, chưa quy định tình trạng khẩn cấp khi đất nước có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang, nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh.

Thực tế trong những năm qua, các bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước, lực lượng vũ trang nhân dân đã xây dựng hệ thống văn kiện, kế hoạch và tổ chức huấn luyện, diễn tập về “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng”.

Vì vậy, việc quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” tại dự thảo Luật là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quốc phòng, bảo đảm quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi cuộc chiến tranh xâm lược.

Theo khoản 10, Điều 3 dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang, nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh.

Một nội dung khác cũng được nhiều ý kiến trong UBTVQH quan tâm là về trưng mua, trưng dụng tài sản. Điều 22 và Điều 32 của dự thảo Luật quy định trưng mua, trưng dụng tài sản trong 03 trường hợp (thiết quân luật, tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị xem xét, đối chiếu nội dung trên với Luật Trưng mua trưng dụng tài sản để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tin cùng chuyên mục