Theo phản ánh của người dân tại các quận, huyện tại TPHCM, thời gian qua, tình trạng nhà, đất ở nhiều khu vực bị “đóng băng” một phần do ảnh hưởng của Quyết định 19/2009/QĐ-UBND ngày 25-2-2009 (Quyết định 19) của UBND TPHCM quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa. Quyết định 19 không chỉ làm khó dân khi tách thửa, chuyển mục đích sử dụng, cho, tặng, chuyển nhượng nhà, đất… mà còn phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu nại phức tạp, kéo dài.
Khó đủ đường
Căn nhà của bà Hoàng Thị Minh Thúy, ngụ tại 2552/2A Vườn Lài, phường An Phú Đông (quận 12) nằm trên khu đất có diện tích 1.600m². Năm 1995, bà tiến hành hợp thức hóa quyền sử dụng đất và trồng cây ăn trái trên phần lớn diện tích. Cuối năm 2009, bà làm thủ tục tách thửa và chuyển mục đích sử dụng sang đất ở để chia cho 4 người con thì bị trả hồ sơ vì không đủ diện tích. Theo Quyết định 19, muốn tách thửa, khu đất của bà phải có diện tích tối thiểu là 2.000m² mới đủ điều kiện.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Hà, ngụ khu phố 2, phường An Phú Đông có thửa đất diện tích 150m² (đất ở), muốn tách làm 2 để xây nhà cho con cũng không được vì vướng quy định: “diện tích tối thiểu khi tách phải đủ 80m² và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m”.
Cách nhà bà Hà vài căn có 2 trường hợp đất đã có nhà hiện hữu, mặc dù đủ diện tích 50m² theo quy định sau khi tách, nhưng do chiều rộng mặt tiền của mỗi căn nhà chỉ đủ 3,8m (quy định không nhỏ hơn 4m) nên cũng không được giải quyết.
Trên thực tế, 2 căn nhà trên đã tồn tại từ lâu, thủ tục còn lại là tách thửa để người dân hợp thức hóa nhà và thực hiện quyền giao dịch, cho, tặng, mua bán theo quy định của pháp luật.
Ở khu vực ngoại thành, nhiều gia đình tại các xã của huyện Hóc Môn cũng dở khóc dở cười vì những quy định của Quyết định 19. Đơn cử như gia đình ông Phạm Văn Phinh (xã Thới Tam Thôn) có thửa đất hơn 2.000m² (đất nông nghiệp), năm 2002 ông chuyển nhượng một nửa diện tích, phần còn lại chia cho 6 người con xây nhà ở. Thời điểm đó, việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng, xây dựng nhà ở… đều được chính quyền địa phương giải quyết bình thường.
Tuy nhiên, thửa đất của gia đình ông chia cho 3 người con đã xây dựng nhà ở nhưng chưa làm thủ tục tách thửa cũng bị ách lại vì vướng Quyết định 19. Sự việc phát sinh tranh chấp giữa các người con của ông Phinh với lý do nhà, đất đã được cha mẹ chia cho nhưng không có giấy tờ hợp lệ, không có giá trị giao dịch, chuyển nhượng…
Khó thì... lách
Theo bà Phạm Thị Của, Trưởng ban Mặt trận khu phố 2, phường An Phú Đông, quá trình thực hiện Quyết định 19 có nhiều bất hợp lý, gây khó khăn cho người dân có nhu cầu tách thửa, chuyển mục đích sử dụng và chuyển nhượng, mua bán, cho, tặng nhà đất theo quy định của Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Tình trạng trên làm cho nhiều người dân mặc dù có quyền sử dụng đất nhưng phải bỏ hoang, có quyền sở hữu nhà ở nhưng bị hạn chế giao dịch bởi những quy định diện tích đất tối thiểu khi tách thửa.
Thực tế này dẫn đến tình trạng người dân có nhu cầu phải mua bán, giao dịch nhà đất đều thực hiện bằng giấy tay khiến chính quyền không thể quản lý xuể. Mặc dù được xác định là quận đô thị, dân cư sinh sống đông đúc nhưng phần lớn diện tích đất vẫn là đất nông nghiệp nên mọi giao dịch đều bị vướng bởi các quy định của Quyết định 19.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, Quyết định 19 có quy định: “đất có nguồn gốc do nhận chuyển nhượng, cho, tặng trước thời điểm 1-7-2004 vẫn được tách thửa, chuyển mục đích sử dụng”. Quy định trên tạo kẽ hở để người dân… lách khi thỏa thuận với người chuyển nhượng ký giấy tay mua bán, chuyển nhượng nhà đất lùi trước thời điểm trước 1-7-2004. Trước khi giải quyết, phường phải tiến hành xác minh rất mất thời gian và đã phát sinh khiếu nại, tố cáo lẫn nhau do tìm cách “hợp thức hóa” nhà, đất mua bán giấy tay và xây dựng không phép.
Tại huyện Hóc Môn, ông Lê Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn cho biết, tình trạng lách luật trên là có nhưng xã cũng bó tay vì không sao quản lý nổi tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai bằng giấy tay đang tái diễn trở lại. Xã cũng nhiều lần kiến nghị huyện xem xét kiến nghị lên TP điều chỉnh Quyết định 19 để người dân bớt khổ vì những quy định rất khó thực hiện.
Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ lãnh đạo của huyện Hóc Môn cho biết, trong khi chờ TP điều chỉnh Quyết định 19, nhiều nơi đã vận dụng giải quyết cho tách thửa đối với các trường hợp cha, mẹ cho tặng nhà đất cho con cái ra riêng ở. Đây được coi là trường hợp chính đáng và không vi phạm Luật Đất đai (người có quyền sử dụng đất được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế), nếu vận dụng giải quyết cho người dân sẽ tránh được tình trạng “đóng băng” nhà, đất và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương.
HOÀI NAM