Quy đổi danh hiệu trong xác định chỉ tiêu đào tạo nghệ thuật

Những ngày qua, thông tin về việc Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đề xuất cho Nghệ sĩ nhân dân (NSND) có bằng thạc sĩ đang giảng dạy ở tại trường được tính tương đương tiến sĩ để đáp ứng tiêu chí mở mã ngành, đảm bảo điều kiện chất lượng đào tạo và xác định chỉ tiêu về đội ngũ giáo viên cho các ngành nghệ thuật, đã gây xôn xao dư luận.
Trình diễn văn hóa nghệ thuật tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trình diễn văn hóa nghệ thuật tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, những vướng mắc và khó khăn này trong công tác đào tạo nghệ thuật nói chung đã được tháo gỡ và quy định trong các thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT từ năm 2022. Cụ thể, Điều 3 của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ: “Giảng viên có danh hiệu là NSND, hoặc Nghệ nhân nhân dân (NNND), hoặc Nhà giáo nhân dân (NGND) do Nhà nước trao tặng; đồng thời có bằng thạc sĩ phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học); hoặc đồng thời có bằng tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có chức danh phó giáo sư và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo”.

Cùng với đó, Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non: Giảng viên trợ giảng là NSƯT, NSND, NNƯT, NNND, NGƯT, NGND, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ đại học cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ thạc sĩ (đối với giảng viên trợ giảng trong xác định chỉ tiêu đại học); giảng viên là NSND, NNND, NGND được Nhà nước công nhận, trao tặng; đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong xác định chỉ tiêu đại học), được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong xác định chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ).

Với những giảng viên là NSND, NNND, NGND đồng thời có bằng tiến sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có chức danh phó giáo sư (trong xác định chỉ tiêu đại học), được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có chức danh phó giáo sư (trong xác định chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ). Giảng viên có danh hiệu là NSND, NNND, NGND đồng thời có bằng tiến sĩ và học hàm phó giáo sư cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có chức danh giáo sư (trong xác định chỉ tiêu đại học), được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có chức danh giáo sư (trong xác định chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ).

Sở dĩ, Bộ GD-ĐT có những thông tư hướng dẫn cụ thể như vậy là do tính chuyên sâu, đặc thù của việc đào tạo các ngành nghệ thuật. Theo lãnh đạo Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT-DL, Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật cũng đang được các bên liên quan xúc tiến lấy ý kiến góp ý xây dựng. Nghị định sẽ tháo gỡ khó khăn, bất cập và không phù hợp đối với đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam và hội nhập quốc tế; đồng thời ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tin cùng chuyên mục